TS. BS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ bị tổn thương niêm mạc miệng sẽ gây đau khi ăn dẫn đến ăn kém, bỏ ăn, có nguy cơ hạ đường máu. Trẻ bị nổi các mụn nước trong khoang miệng và trên lưỡi, chúng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết loét gây đau rát làm trẻ khó ăn uống. Vì vậy cần cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như súp, cháo loãng, sữa…
Ảnh minh họa
Các món cháo, súp chứa nhiều nước giúp cung cấp tân dịch cho cơ thể, bù lượng nước thiếu hụt bị mất do trẻ sốt. Cháo, súp cũng rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thu. Dạ dày không phải làm việc nhiều, hỗ trợ giảm được các triệu chứng bệnh tiêu hóa.
Để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại cháo, súp như: cháo thịt gà, cháo thịt bò, cháo trứng, cháo thịt băm, cháo sườn, cháo tôm, súp tôm… hoặc thay thế bằng cách uống sữa, ăn bún, miến, phở kết hợp với các loại rau củ như: cà rốt, bí đỏ, khoai tây, nước rau củ… để cung cấp protein, calo, vitamin, khoáng chất.
Đây là những chất dinh dưỡng rất cần thiết giúp cải thiện các triệu chứng viêm đường hô hấp và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi khi trẻ bị ốm. Không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa khiến trẻ sợ hãi hoặc dễ nôn trớ mà nên cho trẻ ăn ít một, chia thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ ăn và hấp thu tốt hơn. Các bữa cách nhau khoảng 3 giờ.
Để giúp dịu họng, giảm đau các vết loét, ngoài việc cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm 3-4 lần mỗi ngày, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước. Trẻ nên uống nước lọc, nước trái cây, sữa, nước dừa tươi…
Trong chế độ ăn của trẻ bị tay chân miệng nên ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt nên cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm vì chất kẽm vừa có tác dụng tăng cường sức đề kháng vừa làm các vết thương, vết loét chóng lành hơn, giúp trẻ nhanh hồi phục.
Phương Thu - TTTĐ