Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch theo hình thức “Awe Walk”.
“Awe Walk” giữa bản làng
“Awe Walk” (Đi bộ kinh ngạc - PV) là phong cách đi du lịch tản bộ hoà mình vào thiên nhiên với tâm thế chủ động quan sát và khám phá những cảm xúc mới mẻ được khơi dậy từ ngoại cảnh. Các vùng cư trú của đồng bào dân tộc, miền nông thôn, khu vực hoang sơ hay những bãi biển… là những địa điểm hoàn hảo cho phong cách du lịch này.
Việt Nam có lợi thế đến từ yếu tố thiên nhiên và cộng đồng bản địa. Thực tế cho thấy những chuyến khám phá văn hoá, cộng đồng bản địa là xu hướng được số đông khách du lịch khi đến Việt Nam lựa chọn. Từ những nếp nhà sàn truyền thống, ẩm thực dân tộc, các điệu múa dân gian, lễ hội... trở thành điểm đến trải nghiệm về văn hóa dân tộc, tạo ấn tượng riêng với du khách.
Trong đó, điểm nổi bật là không gian văn hóa dân tộc của cư dân bản địa được phục dựng công phu và nhiều hoạt động mang tính chất quảng bá văn hóa dân tộc. Chính không gian này mang lại cảm hứng du lịch tích cực cho những người đi du lịch hậu đại dịch, khơi dậy sự “awe” (kinh ngạc) khi lựa chọn đi bộ giữa vùng bản địa.
Chẳng hạn, tại Cao Bằng, các điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch không chỉ nhờ cảnh quan đẹp mà có cả sức hút từ văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa. Những điểm đến như: làng đá Khuổi Ky (Trùng Khánh); bản người Lô Lô Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); xóm người Dao Tiền Hoài Khao (Nguyên Bình)… ngay từ những ngày đầu xây dựng xóm du lịch cộng đồng đã định hướng phát triển theo hướng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Sa Pa cũng được biết đến là địa điểm “Awe Walk” lý tưởng nhờ cảnh quan núi đồi hùng vĩ, với những thửa ruộng bậc thang và những bản làng ẩn mình bên sườn núi. Tại đây có vô vàn hệ thống đường mòn kết nối với nhau để đi bộ tận hưởng sự tĩnh lặng và bầu không khí trong lành.
Tận dụng “ngủ đông” để sáng tạo
Nhiều chuyên gia nhận định, muốn du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch, muốn lượng du khách quốc tế và nội địa tăng trưởng mạnh, mỗi quốc gia cần xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa mang giá trị cốt lõi, là bản sắc độc đáo của mỗi địa phương và đặc biệt phải có tính sáng tạo cao. Tận dụng và phát triển sâu sắc các yếu tố văn hoá bản địa mang lại lợi ích kép, không chỉ với riêng ngành du lịch mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.
Hiện nay, ngoài các đơn vị vẫn duy trì sản phẩm du lịch truyền thống, nhiều công ty lữ hành tận dụng thời gian “ngủ đông” để nghiên cứu sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn tạo “làn gió mới” cho hoạt động du lịch.
Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, đơn vị đã xây dựng sản phẩm đi du lịch bằng xe máy và xe đạp khởi hành từ Hà Nội tới các địa phương, như: Ninh Bình, Nam Định, Hà Giang, chia sẻ: “Du lịch bằng xe máy, xe đạp tới các vùng quê được các du khách đến từ phương Tây rất ưa chuộng. Hình thức này vừa giúp du khách có trải nghiệm mới lạ, nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm việc giãn cách, an toàn trong phòng, chống dịch”.
Tuy nhiên, để du lịch gắn với cộng đồng bản địa thật sự hút khách thì không chỉ dừng ở việc đưa du khách đi và trải nghiệm đời sống. Cần những sản phẩm du lịch có chiều sâu và chất lượng. Chẳng hạn, chỉ với mảng ẩm thực bản địa, không chỉ là việc chế biến công phu, bài trí đẹp và hương vị ngon, khách du lịch cần biết đến nguồn gốc, những câu chuyện đặc sắc và thú vị về món ăn.
Cùng với đó là những trải nghiệm đặc biệt liên quan đến sản phẩm của cộng đồng bản địa. Với những lễ hội của đồng bào dân tộc, cần được tổ chức với quy mô lớn hơn, mang tính biểu diễn – nghệ thuật hoặc những lễ hội carnaval…
Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, du lịch văn hóa có thể xâu chuỗi hết tất cả các lĩnh vực khác để phục vụ nhu cầu du khách. Do đó, sáng tạo các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với cộng đồng bản địa sẽ làm gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách và chính người dân bản địa. Thời điểm này, hoạt động du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, buộc các đơn vị phải nỗ lực sáng tạo để vượt khó. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để ngành du lịch có thể hoạt động trở lại an toàn trong bối cảnh “bình thường mới”.
Hà Trang - Pháp luật Plus