Chiêu trò bán tiền giả trên MXH: Nhiều 'con mồi' bị 'sập bẫy'

09/01/2019 09:31

Kinhte&Xahoi “Giống tiền thật đến 99%”; “giá rẻ giật mình”; “tiêu xài thả ga không sợ bị phát hiện”… là những lời chào bán tiền giả trên MXH đã gây sự chú ý của rất nhiều người hám lợi.

Internet ngày càng phát triển mạnh và nó dần trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhiều người. Tuy nhiên đã có rất nhiều kẻ lợi dụng mạng xã hội để thực hiện mua bán tiền giả, đặc biệt hành vi này là hết sức công khai. Chỉ cần lên Facebook, Zalo gõ từ khóa “mua tiền giả” có thể cho ra hàng trăm kết quả. Các trang cá nhân có tên “Mua bán tiền giả”; “Trao đổi tiền giả” hay “Bán tiền giả như thật”… Đặc biệt nguy hiểm, các trang mạng xã hội này thu hút rất nhiều lượt “like” và chia sẻ. Bên cạnh những ý kiến không ủng hộ việc làm trái pháp luật thì không ít những “comment” hỏi mua, đánh dấu bạn bè khác để rủ mua chung.

Đánh vào lòng tham để thực hiện chiêu trò lừa đảo

Cách thức mua tiền giả cũng hết sức đơn giản, chỉ cần nhắn tin cho chủ tài khoản hoặc gọi điện vào số điện thoại đăng trên trang cá nhân các “thượng đế” sẽ được tư vấn trực tiếp. Điều đặc biệt, những người bán tiền giả không giao dịch trực tiếp mà yêu cầu người mua chuyển khoản sau đó chuyển hàng qua đường bưu điện.

Một trang Facebook cá nhân chuyên bán tiền giả.

 

Phóng viên vào một trang Facebook cá nhân có tên “Bán tiền giả - Uy tín chất lượng”, trang cá nhân này có tới 5 nghìn người theo dõi. Người này đăng tải những hình ảnh các cọc tiền mệnh giá từ 100.000 đến 500.000 đồng kèm theo lời chào mời rất lọt tai “tiêu xài thoải mái, không lo bị lộ”; “giống tiền thật tới 99%”. Giá cụ thể, 1 triệu tiền thật có thể mua được 10 triệu tiền giả.

Tài khoản có tên Mạnh Quân cũng đăng tải rất nhiều những cọc tiền, bên cạnh là bảng ghi đơn đặt hàng của khách. Tài khoản này trấn an các “thượng đế”: “Các bạn yên tâm, tiền này mình nhập từ nước ngoài về, tuy giả nhưng giống tới 98% nhé, chất liệu không khác gì tiền thật. Có chăng chỉ là trùng số seri với tiền thật, nếu dùng để đi đổ xăng, đi chợ hay tiêu lặt vặt thì thoải mái. Trường hợp bị lộ khi giao dịch với ngân hàng mà thôi".

Người này liên tục đăng tải hình ảnh tiền giả để dụ khách hàng.

 

Sau một cuộc trao đổi với chủ tài khoản Mạnh Quân, chúng tôi ngỏ ý muốn mua 50 triệu tiền giả với loại mệnh giá 500.000 đồng. Tài khoản này cho hay, cứ 1 triệu thì mua được 10 triệu tiền giả. Cách thức giao hàng vẫn theo truyền thống, đặt cọc trước 30% qua thẻ ngân hàng hoặc mua thẻ cào điện thoại để bắn sang. Khi nhận được tiền cọc sẽ có người trực tiếp liên hệ, nếu gần sẽ giao dịch tận nhà còn không sẽ giao tiền qua đường bưu điện hoặc xe khách. Chúng tôi tỏ ra nghi ngại, nếu chuyển tiền cọc mà không giao tiền giả. Chủ tài khoản tỏ ra không vui: “Bọn anh làm ăn đàng hoàng, lâu năm rồi. Nếu em không tin tưởng thì thôi, không vấn đề gì. Đợt này sắp tết, tiền giả không có mà bán ấy chứ, nếu không cọc trước thì bên anh không thể giao hàng được”.

Bị "sập bẫy" của chiêu lừa, các "con mồi" chỉ biết "ngậm đắng"

Lần theo các comment chúng tôi được biết, đã không ít người vì tham lam mà bị lừa số tiền đặt cọc khi gửi cho người bán. Anh Minh Phương (quận Hà Đông) cho hay: “Cách đây không lâu, tôi có mò lên mạng và mua tiền giả, sau một hồi giao dịch tôi đã chuyển khoản cho họ 500.000 đồng nhưng sau chẳng thấy hồi âm gì. Gọi điện cả ngày cũng không liên lạc được, nhắn tin thì bị chặn. Đúng là tham thì thâm”.

Đây là hình ảnh dẫn dụ những người hám lợi mua tiền giả.

 

Một điều hiển nhiên rằng, khi người mua tiền giả bị lừa đảo chắc chắn họ chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, không dám trình báo với cơ quan chức năng, thậm chí không nói với người thân. Nhiều người làm trong lĩnh vực kinh doanh, chuyên nhập hàng hóa tại các cửa khẩu, họ đều cho rằng đây đa phần là chiêu thức lừa đảo qua Facebook. Bởi, không dễ dàng để chuyển tiền giả với số lượng lớn sang Việt Nam được. Có thể họ đã chụp ảnh tiền thật rồi dùng photoshop để làm mờ số seri, điều chỉnh một số hình ảnh trên tờ tiền thật.

Vừa qua Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đã bắt được một đối tượng rao bán tiền giả trên Facebook. Sau khi bị bắt, đối tượng này đã khai nhận là mình không có tiền giả để bán, đó chỉ là chiêu thức lừa đảo những người có lòng tham. Đại diện của Cục C50 khẳng định, những thông tin rao bán tiền giả qua mạng chỉ là chiêu trò để lừa người hám lợi. Thực tế không có giao dịch tiền giả như thông tin trên mạng xã hội thời gian vừa qua. Không những vậy, một số kẻ xấu đã chụp ảnh tiền thật đưa lên mạng để lừa gạt. Mọi người cần ý thức, tiêu thụ tiền giả là vi phạm pháp luật và nên hết sức cảnh giác với những chiêu trò của các đối tượng.

 

Theo Thương Trường/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quảng cáo thuốc lá đến khi nào hết 'lách luật'?

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định cấm các hành vi quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá. Thế nhưng trên thực tế, phần lớn các chủ đại lý kinh doanh và bán lẻ thuốc lá trên cả nước đều vi phạm về trưng bày và quảng cáo trong kinh doanh thuốc lá.