Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt

13/09/2018 09:17

Kinhte&Xahoi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo dục luôn cần đổi mới và khi đổi mới sẽ có thử nghiệm, thực nghiệm.

Tại phiên thảo luận, nhiều vấn đề “nóng” trong lĩnh vực giáo dục tiếp tục được các đại biểu đặt ra. Liên quan đến sách giáo khoa, Điều 29 dự thảo Luật quy định: Mỗi môn học có một hoặc nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình tại phiên họp. Ảnh: Quochoi

Nhấn mạnh không thể để nhà trường chọn sách giáo khoa vì có thể dẫn đến tiêu cực rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần có sự thống nhất trong cả nước, đảm bảo tính tổng thể, toàn diện của giáo dục. 

Về chương trình giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong chương trình phổ thông, tránh gây áp lực cho học sinh. “Làm sao cho các em học mà chơi, chơi mà học. Giờ kiến thức nhồi nhét quá lớn, nhìn các cháu học mà thương, tí tuổi đã cận thị hết rồi”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần cân nhắc quy định “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, đặc biệt là đối với cấp tiểu học. Theo bà Hải, hiện nay, cử tri phàn nàn về việc sách giáo khoa sử dụng 1 lần vì cho rằng rất lãng phí. 

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội dẫn chứng: Năm học 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản sách giáo khoa và 100 triệu bản này sang năm sẽ hoàn toàn không sử dụng. Mỗi năm, phụ huynh phải chi trung bình 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa, chỉ một mục đích là quyển sách đó sử dụng 1 lần là do có phần bài tập đi kèm, sang năm tái bản nội dung vẫn như vậy, chỉ in lại phần bài tập.

“Tới đây áp dụng “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” thì vấn đề này sẽ như thế nào? Cử tri gọi điện, viết thư cho chúng tôi rất bức xúc”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu.

Liên quan đến việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Trưởng Ban Dân nguyện đề cập đến câu chuyện thời sự về sách tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục hiện nay. “Nếu phụ huynh muốn học cùng con thì mua sách ở đâu hay đây là sách bán độc quyền theo chương trình dạy? Khi thực nghiệm trở thành đại trà thì sẽ thế nào”, bà Hải băn khoăn. 

Cũng quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, làm thử có thành công, có thất bại nhưng thời gian qua, những hoạt động thí điểm giáo dục nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhất là thí điểm cải cách tiếng Việt. Bà Nga đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm của mình.

Giải trình về nội dung về thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo dục luôn cần đổi mới và khi đổi mới sẽ có thử nghiệm, thực nghiệm. Tuy nhiên, Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong vài năm tới. 

Phó Thủ tướng cho biết, việc tranh luận vừa qua về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, Bộ Giáo dục đã có ý kiến chính thức. Đây chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu dạy cách phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt.

Nhiều ý kiến khẳng định, giáo dục có phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động lâu dài tới đời sống, xã hội nên cần cẩn trọng khi quyết định thay đổi chính sách, nhất là liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình... Tuy nhiên, vì thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, một số chương trình thí điểm gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội. 

Từ thực tế này, các đại biểu đề nghị bên cạnh việc quy định “Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học” như Luật hiện hành, cần bổ sung quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân. Trong đó, cần làm rõ nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN tại Hà Nội

Với cương vị là nước chủ nhà, Việt Nam khẳng định trọng trách cùng WEF và các nước ASEAN thảo luận những vấn đề quan trọng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0.