Chính sách về nhà ở xã hội cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng hơn

19/06/2023 15:07

Kinhte&Xahoi Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này.

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng nay, 19/6, nhiều đại biểu Quốc hội còn ý kiến khác nhau về vấn đề phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương 6 của dự thảo luật. Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. 

Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê. Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách; cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.

Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua. 

Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước khác sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận, nhà ở xã hội.

Xác định rõ, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội 

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đánh giá cao dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp. Góp ý cụ thể về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung khái niệm căn hộ, bởi dự thảo mới chỉ giải thích khái niệm chung cư, trong chung cư có nhiều căn hộ nên phải giải thích khái niệm căn hộ là một đơn vị nhà ở đảm bảo diện tích tối thiểu và các điều kiện phục vụ sinh hoạt cơ bản cho cá nhân, hộ gia đình...

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên)

Tại khoản 7, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng hộ gia đình vào trong nhóm cá nhân và hộ gia đình. Bên cạnh đó, tại khoản 8, đại biểu đề nghị sửa lại khái niệm nhà ở xã hội là nhà ở dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở theo quy định pháp luật. 

Tại Điều 6 về chính sách phát triển quản lý, sử dụng nhà ở và Điều 7 yêu cầu chung về phát triển quản lý sử dụng nhà ở, đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 đã nêu rõ, phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội. 

Do vậy, dự thảo luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội. Đại biểu đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận. 

Theo đại biểu, quyền có chỗ ở an toàn tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội. Do đó, nên chăng đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Trong đó, Nhà nước sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội.

Cần quy định rõ ràng chính sách nhà ở xã hội cho công nhân lao động 

Quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: cho biết, hiện nay số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa có nhà phải nhà thuê chỉ còn khá lớn.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Cần quy định rõ ràng chính sách nhà ở xã hội cho công nhân lao động

Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định tại Khoản 3, Điều 77 là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú, công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung này mới được quy định trong dự thảo Luật nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn.

 Tường Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/chinh-sach-ve-nha-o-xa-hoi-can-co-muc-tieu-va-dinh-huong-ro-rang-hon-d195118.html