Hội An là một trong những điểm du lịch cuối năm được truyền thông đánh giá cao. (Nguồn: Insung Choi/DW News)
“Sức bật” từ chính sách thị thực mới
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào ngày 24/6/2023. Điều này đã đánh dấu bước tiến quan trọng cho việc phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong quá trình hội nhập sâu sắc với thế giới.
Theo đó, kể từ ngày 15/8/2023, nhiều chính sách mới về thị thực chính thức có hiệu lực. Tiêu biểu là quy định Việt Nam chính thức mở rộng thời hạn cấp visa điện tử (E-Visa) lên tối đa là 3 tháng (90 ngày) cho người nước ngoài. So với trước đây, visa điện tử tại Việt Nam chỉ được cấp với thời hạn tối đa là 1 tháng (30 ngày). Thay đổi mới này sẽ giúp người nước ngoài yên tâm lên kế hoạch cho các chuyến du lịch hoặc công việc dài hơn tại Việt Nam mà không cần lo lắng về việc gia hạn visa trong thời gian ngắn.
Mặt khác, công dân của một số nước được miễn thị thực đơn phương sẽ có thời hạn miễn thị thực nhập cảnh tại Việt Nam kéo dài tới 45 ngày, tăng gấp 3 lần so với thời hạn trước là 15 ngày. Những đối tượng hiện tại chịu sự tác động tích cực từ sự thay đổi chính sách visa này là công dân của một số nước đang được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương của Việt Nam theo Nghị Quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/03/2022. Các nước này bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Belarus.
Những quốc gia này cũng có quan hệ đối tác chặt chẽ với Việt Nam và đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, du lịch của đất nước trong thời gian qua. Việc kéo dài thời hạn miễn thị thực đối với các quốc gia trên là bước quan trọng nhằm thu hút lượng lớn du khách quốc tế về Việt Nam, đồng thời tăng cường sự gắn kết và hợp tác với các đối tác quốc tế. Việc du khách từ các quốc gia này có thể lưu trú trong khoảng thời gian dài hơn cũng sẽ giúp kích cầu nền kinh tế địa phương, đặc biệt trong ngành Du lịch, nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ liên quan.
Truyền thông quốc tế đánh giá cao
Nhiều đơn vị truyền thông, chuyên trang du lịch trên thế giới đang ca ngợi Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng cho các chuyến đi vào cuối năm. Một trong những lý do đáng chú ý được đề cập tới là bởi những chính sách thị thực mới. Đơn cử, trang DW News (Đức) ca ngợi Việt Nam là điểm đến được yêu thích trong khu vực, khi chính sách thị thực được nới lỏng từ 15/8. Trang này cũng nhận định du lịch Việt có tốc độ phát triển nhanh, cảnh quan đa dạng, từ bãi biển, ruộng bậc thang vùng núi, đến các thành phố nhộn nhịp có đủ loại hình dịch vụ, chi phí thân thiện với ngân sách của du khách.
Chuyên trang Travel Off Path (Mỹ) nhận định Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm du lịch mới của châu Á sau khi điều chỉnh chính sách thị thực. Cụ thể, website du lịch này lý giải Việt Nam hút khách nhờ ba lợi thế: Những thay đổi trong chính sách về thị thực cởi mở hơn, vẻ đẹp tự nhiên được bảo tồn tốt, Chính phủ định hướng tập trung phát triển du lịch.
Công ty truyền thông U.S. News & World Report (Mỹ) liệt kê Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách 21 điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ mùa đông, dựa trên phân tích của chuyên gia và bình chọn của độc giả. Thủ đô Hà Nội được đánh giá là nơi có thời tiết tương đối đẹp để du lịch vào mùa đông. Ngoài ẩm thực đặc sắc và những điểm tham quan văn hóa lịch sử nổi tiếng của mảnh đất ngàn năm văn hiến thì du lịch mùa đông ở Hà Nội cũng mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm văn hóa bản địa hấp dẫn, ý nghĩa qua những lễ hội truyền thống, đặc biệt là Tết cổ truyền.
Ngoài ra, chuyên trang du lịch ẩm thực Taste Atlas (Croatia) cũng vừa công bố danh sách những món ăn đường phố nổi tiếng, được yêu thích nhất tại Việt Nam. Trong đó có thể kể tới bánh mỳ, phở, nem rán, bánh cuốn, bánh xèo, xôi, bánh bèo, cơm tấm đã làm nên “thương hiệu” ẩm thực Việt để thu hút khách quốc tế đặt chân tới đất nước hình chữ S.
Thống kê từ Cục Du lịch quốc gia cho thấy, tỷ lệ tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam tại một số thị trường châu Âu liên tục tăng. Việt Nam nằm trong tốp đầu thế giới về tìm kiếm, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Việt Nam cũng là điểm đến duy nhất ở khu vực Đông Nam Á nằm ở nhóm này. Các thị trường khách quốc tế quan tâm nhiều nhất đến Du lịch Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức và Pháp. Đây cũng là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc thực hiện chính sách mới về visa là bước tiến lớn tháo gỡ “nút thắt” cho du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp du lịch tạo dựng sản phẩm phù hợp và đẩy mạnh thông tin quảng bá tới du khách quốc tế biết đến chính sách mới này để chủ động lên kế hoạch đi du lịch Việt Nam.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VH,TT&DL, đến hết tháng 7/2023, toàn ngành đã đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế. Lượng khách nội địa đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Ngày 15/8, Bộ VH,TT&DL đã triển khai hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững.
Trong đó, Bộ cùng các tỉnh, thành, đơn vị du lịch triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; phổ biến Chiến lược maketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; phổ biến đề án xây dựng một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm…
Theo các các doanh nghiệp du lịch đón khách quốc tế thì chính sách mới này dự kiến sẽ giúp lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 20% đến 30% vào cuối năm nay và năm 2024 cũng như tạo hướng đột phá cho du lịch với những luồng khách lưu trú dài ngày. |
Đỗ Trang - Pháp luật Plus