Cho những điều bé nhỏ phi thường

26/12/2021 09:48

Kinhte&Xahoi Rồi những ngày cuối năm, Giáng sinh và năm mới đã đang cận kề. Cho một năm của nhiều đau thương và ấm lòng. Cho những mất mát và sự hồi sinh. Những ngày này, cuộc sống bình thường mới đang nhẹ bước ở các thành phố lớn, hàng quán đã mở cửa trở lại, mỗi người có thể di chuyển dễ dàng hơn…

Cuộc sống bình thường mới, cho một năm mới nhiều hy vọng.

“Có chăng lời hát vẫn còn mà thôi”

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tạo thành một bức tranh với nhiều mảng màu xám, những mất mát, đau thương tới nghẹn lòng. Hàng triệu người mất việc, cuộc sống bấp bênh, gánh gồng cả gia tài trên những chiếc xe máy, những chiếc xe kéo, thậm chí đi bộ về quê nhà với vài chục hay vài trăm nghìn đồng. Hàng chục nghìn người lên đường tiếp viện cho tuyến đầu trong dịch với những tháng ngày đằng đẵng xa gia đình.

Thế nhưng, như lời bài thơ “Lời ru trên mặt đất” của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Bốn phương đâu cũng quê nhà/Như con tàu với những ga dọc đường/Đất qua rồi những đau thương/Có chăng lời hát vẫn còn mà thôi..”… Đi qua những đau thương, tình yêu luôn là điều còn lại sau mọi nỗi đau và mất mát. Cảm ơn những người nỗ lực vượt qua bạo bệnh để sống và trở về! Cảm ơn người dân Việt Nam đã cưu mang nhau trên hành trình trở về của những người lao động nghèo! Cảm ơn tất cả vì đã trở về!

Năm 2021, trong đại dịch, chúng ta phải chứng kiến những điều nghẹn lòng, chưa từng có. Đó là câu chuyện của Thiếu tá Trung Kiên: “Khi đưa tro cốt của chị Nga về với gia đình tại nhà trọ ở Tân Phú, tôi rất bất ngờ khi người tiếp nhận tro cốt của chị Nga là một cháu bé rất nhỏ!”. Bé Châu có mẹ là chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (44 tuổi, trú ở phường Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh). Bố của bé đã bỏ đi từ khi bé mới sinh, chị Nga không qua khỏi do suy hô hấp cấp mức độ nặng. Thấy cô bé thiếu vắng tình cha từ thuở bé và nay lại mất mẹ, anh Kiên đã nhận làm cha đỡ đầu của bé Châu, nhận bảo trợ học tập cho đến khi cháu đủ 18 tuổi.

Đó là đội ngũ y, bác sĩ, những người lính áo xanh, các chiến sỹ công an, các nhà hảo tâm, những người dân, những bạn trẻ bình dị... đang tạo ra sự hồi sinh từ mệnh lệnh của chính trái tim mình. Hành trình của họ, chắc chắn rồi sẽ có thêm nhiều người đồng hành mới.

Đó chỉ là một trong vô vàn hình ảnh khiến chúng ta nghẹn ngào khi nhớ về những ngày tháng dịch bệnh hoành hành. Từ Chợ Rẫy, Nhà Bè, Từ Dũ tới viện Phổi, Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW… những chiến sỹ áo trắng vẫn đang miệt mài trong cuộc chiến chống dịch cam go, hi sinh từng bữa ăn, giấc ngủ để giành giật lại sự sống và chăm lo sức khỏe của người dân. Còn nhiều lắm những câu chuyện được ghi lại từ tâm dịch - tất cả đều cần được lưu nhớ lại trong một năm đặc biệt như năm nay...

Trong cuộc chiến chống dịch vất vả và dai dẳng, chúng ta không thể quên câu chuyện của một bác sĩ Bệnh viện Dã chiến TP HCM khi biết mình bị mắc COVID-19, thay vì sự lo lắng, sợ hãi cho sức khỏe bản thân, chị vẫn vui vẻ, tươi cười, thậm chí còn đùa vui rằng: “Mình bất tử rồi, nên sẵn sàng chiến tiếp!”…

Ở nơi nguy hiểm nhất, nơi tuyến đầu đón toàn những bệnh nhân F0 nặng, các bác sĩ phải sống và sinh hoạt trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Với họ, đêm là những giấc chập chờn. Và ngày là những bữa ăn ngắt quãng, vội vàng trong lúc nghỉ ngơi tranh thủ. Nhưng giữa cái nắng nóng và bí bức khi phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, họ vẫn vui vẻ, vẫn tìm thấy tiếng cười thú vị, niềm lạc quan trong cuộc chiến dai dẳng, không cân sức…

Trên Facebook của mình, bác sĩ Hùng Ngô (tác giả cuốn “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể”) ngoài những vất vả bằng 200% sức lực, nhưng bữa ăn của họ chỉ với mì tôm đơn giản, tiện lợi, phù hợp với lịch làm việc không có thời gian cố định của họ. Phần khác bởi hương vị lại dễ đưa, dễ trôi có lẽ là một trong những hương vị mà các y, bác sĩ nhớ mãi không quên trong những ngày sát cánh bên đồng nghiệp, chữa trị cho bệnh nhân. Ăn đơn sơ, giản tiện, nhưng ấm áp tình người, tiện lợi lại dễ trôi, bác sĩ Hùng còn xuất khẩu thành thơ: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng mình mì gói chất đầy”.

Có thể nói, cùng với sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo, các chiến sĩ bộ đội, công an, tình nguyện viên… cùng sự vất vả của các lực lượng y, bác sĩ trong trận chiến căng thẳng ấy, mà chúng ta có niềm tin, điểm tựa và những ấm áp trong cuộc sống bình thường mới. Cho những hành trình mới và những hy vọng…

Và chuyện chép ở “Phía Tây thành phố”

Bốn năm sau tiếng vang của “Những sườn núi lấp lánh”, BS. Lê Minh Khôi tiếp tục trình làng tập tản văn “Phía Tây thành phố”. BS. Lê Minh Khôi là người trực tiếp tham gia điều hành một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 ở TP HCM.

PGS.TS Lê Minh Khôi: “Tôi vẫn sống với ký ức không phải để bi lụy, mà để biết trân trọng hơn những gì giản dị mà chúng ta đang có”…

Một bác sĩ đã từng chứng kiến nhiều cuộc sinh tử biệt ly nên thấu hiểu hơn ai hết những mong manh, trân quý đến từng khoảnh khắc ngắm hạt bụi lấp lánh trong nắng, thấu rõ điều gì là đáng quý nhất trong đời người...

Anh chia sẻ: “Là một thầy thuốc, đối diện với những mong manh của kiếp người, những đớn đau về thể chất, những góc khuất của tâm hồn và cả cái chết, tôi chỉ muốn viết trước hết là để thuyết phục chính mình về cái thiện lương nguyên thủy của con người”.

Bệnh nhân COVID đầu tiên của tôi (trích “Phía Tây thành phố”)

“Cô không phải là bệnh nhân COVID đầu tiên của tôi. Thực ra, trước khi vào trung tâm hồi sức COVID đóng trên địa bàn quận Bình Tân, nơi mà tôi và đồng đội gọi bằng cái tên thân thương là mặt trận phía Tây thành phố thì tôi cũng đã nhận điều trị từ xa một số người, chủ yếu là những người quen hoặc được người quen giới thiệu.

Cuối tháng Bảy, tôi tình nguyện tham gia vào một nhóm bác sĩ tư vấn cho người bệnh COVID theo lời mời của bác sĩ Trương Hữu Khanh. Chỉ nhận các cuộc gọi trong hai ngày, tôi đã phải xin rút khỏi nhóm vì không chịu nổi áp lực tâm lý. Không phải vì các trường hợp gọi đến có vấn đề về chuyên môn khó khăn đến độ tôi không giải quyết được, mà chủ yếu vì bản thân không làm được gì ngoài mấy câu tư vấn chung chung trong khi bệnh nhân cần những thứ khác hoàn toàn. Những thứ ấy, không có một bác sĩ tư vấn nào có thể giải quyết được.

Người gọi đến cần ôxy, cần xe cứu thương, cần một bệnh viện tiếp nhận, cần con hẻm không bị phong tỏa và cần những thứ mà trong những ngày bình thường chúng ta coi như là điều hiển nhiên. Bác sĩ tư vấn chỉ có lời nói. Những lời động viên, hướng dẫn dường như không ăn nhập gì nữa với sự hoảng loạn của người nhà bệnh nhân. Vì vậy, tôi quyết định rằng sống chết gì mình cũng phải vào trận.

Thành phố quyết định xây dựng Bệnh viện Dã chiến số 10 và giao cho Bệnh viện Đại học Y Dược. Tôi xin giám đốc đi cùng để quyết bám trụ ở đó nhưng rồi Bộ Y tế lại quyết định bệnh viện phải xây dựng trung tâm hồi sức, bậc điều trị cao nhất trong tháp điều trị bệnh nhân COVID. Sau 12 giờ tiếp nhận, cải tạo một cơ sở hoàn toàn xa lạ, chúng tôi đã có thể chỉnh tề trang phục và nôn nao chờ đón bệnh nhân.

Cuối cùng thì bệnh nhân đầu tiên cũng đến. Cái khoảnh khắc khi cửa cầu thang mở ra, cô được chuyển vào khu Bạch Đằng, tim tôi gần như lỗi nhịp. Tôi biết, mình đã khai hỏa trận đánh mà chính mình còn chưa biết đích xác kẻ thù. Chỉ biết rằng trước mặt là khốc liệt, là đêm trắng, là mất mát, là hiểm nguy, là nước mắt lặng lẽ và nụ cười vùi sau lớp khẩu trang bịt bùng.

Tôi đã khởi hoạt trận đánh bi tráng nhất đời mình. Tấm ảnh chụp vội chiếc băng ca đưa cô vào khu hồi sức vẫn còn nằm trong điện thoại. Mà không có chiếc điện thoại thông minh thì tâm khảm tôi cũng đã chụp lại, đã quay lại cái khoảnh khắc rưng rưng ấy rồi. Bệnh nhân đầu tiên được đưa vào trung tâm và thực sự cô cũng đã bước vào đời tôi, trong những ngày đau thương nhất của thành phố này.

Sau khi cô đến, những bệnh nhân khác cũng được đưa vào với tốc độ chóng mặt. Khu điều trị nhanh chóng kín giường. Chúng tôi lại phải kê thêm giường, chia ống khí cho máy thở, chia ống ôxy. Điện thoại vẫn bỏng rát với những cuộc gọi gấp gáp từ khắp các nơi trong thành phố đổ về. Chưa đầy một tuần sau chúng tôi quá tải giường bệnh. Một tuần sau cô đi, nhường lại máy thở và chiếc giường hồi sức hiếm hoi trong lúc đó cho những người không may mắn khác.

Tính từ thời điểm ấy đến thời điểm tôi viết những dòng này, ba tháng cũng đã trôi qua. Chúng tôi đã nhận gần một ngàn bệnh nhân nặng và nguy kịch. Nhiều người trở lại cuộc sống bình thường ngoài kia nhưng cũng có những người khác, giống như cô, đã vĩnh viễn xa rời cõi tạm. Chắc hẳn cô giờ đã mỉm cười ở một thế giới khác. Thành phố đã trở lại bình thường. Những đau buồn, hoảng loạn sẽ được gọi tên là ký ức.

Với tôi, ký ức không phải cái đã qua, nhất là ký ức về một giai đoạn đầy ắp những biến cố đau thương như vậy. Tôi vẫn đang sống với ký ức đó, không phải để bi lụy, mà để biết trân trọng hơn những gì giản dị nhất mà chúng ta có, như bầu trời xanh trên đầu, như làn gió từ sông Sài Gòn vẫn lồng lộng thổi vào thành phố mỗi chiều và như từng hơi thở này đây”…

Ra mắt sách ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP HCM

Cuốn tản văn “Phía Tây thành phố” của BS. Lê Minh Khôi sẽ được phát hành. Toàn bộ lợi nhuận của tập sách này và tập tản văn Sài Gòn chọn nhớ những điều thương (nhiều tác giả) đều được sử dụng ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM.

PGS. TS Lê Minh Khôi sinh năm 1973 tại Châu Tử, Bình Nguyên, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế (1998); bác sĩ nội trú Đại học Picardie-Jules Verne, Pháp (2003); Tiến sĩ Y khoa Đại học Rostock, Đức (2007).

PGS. TS Lê Minh Khôi hiện là Giảng viên Bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc, Đại học Y Dược TP HCM và bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ông là Phó GĐ Trung tâm Hồi sức COVID-19, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM trong đợt dịch lần thứ 4 (2021). 

Nguyễn Mỹ - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cho-nhung-dieu-be-nho-phi-thuong-d173513.html