Chọn bánh Trung thu handmade thế nào cho an toàn?

26/08/2019 10:11

Kinhte&Xahoi Những ngày qua cơ quan chức năng liên tục phát hiện, thu giữ nhiều lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc nhập lậu vào Việt Nam. Lo ngại về chất lượng của những loại bánh này, nhiều người đặt niềm tin cho bánh trung thu handmade nhưng sự thật những chiếc bánh handmade có thực sự an toàn...

Những gói bột làm bánh không nhãn mác tại chợ Đồng Xuân

Nỗi lo nguyên liệu 

Những ngày trước Tết Trung thu thị trường bánh Trung thu bắt đầu sôi động với nhiều loại sản phẩm. Năm nay, ngoài các sản phẩm bánh Trung thu truyền thống, thị trường bánh Trung thu handmade (bánh nhà làm) được bày bán tràn lan ngoài các tạp hoá, các khu chợ trên địa bàn Hà Nội và khá đông khách mua. Giá bánh Trung thu handmade dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/cái, giá rất rẻ so với các loại bánh có thương hiệu rõ ràng.

Những loại bánh gắn mác handmade được làm theo quy mô nhỏ, do các tiệm bánh hoặc gia đình làm ra với mục đích để ăn, tặng và bán. Những loại bánh này đều được người bán quảng cáo là không chất phụ gia, không chất bảo quản, phẩm màu độc hại và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược với những lời quảng cáo mĩ miều của người bán bánh.

Dạo  một vòng Chợ Đồng Xuân, một trong những chợ lớn nhất Hà Nội, nhiều người tìm đến để mua nguyên liệu làm bánh. Không khó để chúng ta bắt gặp những sạp hàng bán đồ, nguyên liệu phục vụ cho việc làm bánh Trung Thu. “Bột làm bánh, nhân bánh, chất tạo màu, đường làm bánh ở đây đều có sẵn. Bột làm bánh có giá từ 50.000 – 80.000 đồng/kg, các loại nhân có giá từ 70.000 – 90.000 đồng/kg,...”. 

Nhiều sản phẩm ở đây không rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các loại nguyên liệu được phân biệt bằng những mảnh giấy do chủ cửa hàng tự đánh dấu.  Chỉ đơn giản là “bột bánh dẻo đặc biệt” mà không hề có bất kỳ thông tin gì về xuất xứ, hạn sử dụng. Khi được hỏi về nguồn gốc của những mặt hàng này, chủ một cửa hàng nói: “ Nguyên liệu đều được lấy ở các miền quê chứ không có hàng tàu.”

Tại phố Hàng Buồm, nơi nổi tiếng với nhiều địa chỉ kinh doanh nguyên liệu làm bánh trung thu, xuất hiện nhiều loại nhân làm bánh với màu xanh, đỏ, vàng,... được đóng sẵn trong túi nilông với giá khá rẻ. 1kg nhân có giá 70.000 đồng mà có thể làm đến 20 - 30 chiếc bánh. Nhân bánh hạt sen chỉ có giá 80.000 đồng/1kg, trong khi giá hạt sen khô đã lên đến 100.000 đồng/kg. Các loại hương liệu làm bánh nướng cũng được các chủ hàng đựng sẵn trong những chiếc can đặt ngay dưới nền vỉa hè. Tất cả chỉ được ghi tên sản phẩm mà không hề có bất cứ một thông tin nào liên quan đến nhà sản xuất.

Ngoài thị trường là vậy, còn trên các trang mạng xã hội các loại nhân bánh Trung thu cũng được chào bán rất nhộn nhịp. Các loại nguyên liệu sẵn sàng được giao tận nơi tiết kiệm thời gian cho khách hàng. Thậm chí nếu khách muốn làm bánh mà lại ít thời gian  thì cũng không sao, đã có loại nhân bánh được chế biến sẵn, cấp đông với giá siêu rẻ.

Một cửa hàng bán nhân bánh Trung thu tại Quận Hà Đông cho biết: “Nhân bánh Trung thu handmade, được làm hoàn toàn thủ công, cam kết không có chất bảo quản, không phụ gia. Nhân có thể bảo quản ngăn mát 10 ngày, tủ đông 3 tháng. Hàng đã có sẵn tại cửa hàng Hella mart rồi,..

Nhân đậu xanh: 70k/kg- 40k/0,5kg; Nhân trà xanh: 90/kg- 50k/0,5kg; Nhân đậu đỏ: 70k/kg- 40k/0,5kg…”.

Như vậy có thể thấy rằng bánh nhà làm theo hướng thủ công cũng chưa chắc đã sạch sẽ an toàn. Khi  từ chợ cho đến mạng xã hội hầu như rất khó để kiểm soát về nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu handmade. Việc nguyên liệu có đảm bảo hay không có đúng như lời những người bán hàng quảng cáo hay không quả thật chắc chỉ người bán mới biết.

Không nên mua hàng hóa không rõ nguồn gốc

“Handmade  là kiểu sản phẩm nhà làm. Mà nhà làm bán theo  thời vụ thì làm gì có ghi ngày tháng sản xuất? Mình mua dựa trên niềm tin thôi chứ biết sao được sạch bẩn thế nào. Cứ khuất mắt nhìn ngon, sạch sẽ rẻ thì mua thôi. Tôi cũng có đọc báo cũng thấy nói, thấy bắt những vụ nguyên liệu, bánh bẩn không rõ nguồn gốc cũng  lo lắng nhưng rồi cũng chỉ biết tin vào người bán thôi”. Anh Nguyễn Đình Khang trú tại Cầu Giấy chia sẻ.

Quả thật khi bánh đã thành phẩm, người tiêu dùng sẽ khó có thể phân biệt được đâu là loại bánh được làm từ nguyên liệu không nhãn mác, giá rẻ, nếu chỉ nhìn bên ngoài. Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm việc làm bánh Trung thu tại nhà rất tốt nếu đảm bảo nguyên liệu an toàn, cũng như vệ sinh khi chế biến. Tuy nhiên nếu lạm dụng các nguyên liệu đóng gói, chế biến sẵn, không nguồn gốc xuất xứ, quy trình bảo quản không tốt có thể dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
 
Theo TS. Lê Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết: “Hàng hóa thực phẩm là phải rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cái gì đưa vào phải đúng quy định an toàn của Bộ Y tế. Người sản xuất bánh handmade phải sử dụng các loại màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thì mới đảm bảo an toàn.”

 “Người mua phải xem xét vì các loại bánh handmade sử dụng nguyên liệu không nhãn mác chắc chắn là không tốt, gây ra rất nhiều bệnh, ngộ độc, hại thần kinh,…” PGS.TS. Bùi Quang Thuật, Phó Viện trưởng Viện công nghiệp thực phẩm khuyến cáo. 

Cách chọn bánh Trung thu an toàn

Ở Việt Nam, bánh Trung thu là món bánh không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Trung thu. Thế nhưng trước “ma trận” về thị trường bánh Trung thu thì không phải ai cũng biết cách chọn bánh ngon và an toàn.

Khi mua bánh phải quan sát kỹ bao bì. Nếu như bao bì còn kín và còn hạn sử dụng thì bánh sẽ không bị nhiễm khuẩn. Chọn những sản phẩm được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập.

Chọn những loại được gói và bảo quản trong tủ kính hay tủ lạnh. Hình ảnh, logo công ty phải sắc nét, có địa chỉ và ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Bạn cũng nên đọc kỹ phần nguyên liệu trên bao bì để biết được lượng calo và chất bột, béo, đạm của bánh và xem kỹ bao gói bánh, chọn mua sản phẩm ở cơ sở có uy tín và luôn phải lưu ý tới hạn sử dụng.

Cần xem nhãn được in trên bao bì. Các nội dung cần đặc biệt chú ý như: ngày sản xuất, hạn sử dụng, nguyên liệu, các thành phần trong bánh...

Một chú ý quan trọng về cách đóng gói, nhãn mác là ngày sản xuất phải không được in cùng với các nội dung trên bao bì. Một cách để nhận biết dấu hiệu này là phần mực ghi tại ngày sản xuất được in khác màu so với màu chữ, số in trên bao bì.

Đặc biệt, bao bì của thực phẩm được in đồng loạt và có thể in trước từ nhiều tháng hoặc năm trước. Trong khi đó, ngày sản xuất của thực phẩm thì phải được ghi theo ngày làm ra sản phẩm đó.

Ngoài ra, người mua còn có thể nhận biết bằng cảm quan của mình khi chọn mua bánh. Những chiếc bánh về bề ngoài có vẻ ướt, có dấu hiệu bị mốc, lên men... thì tuyệt đối không mua dưới bất kỳ giá nào.

Một đặc lưu ý nữa là không mua bánh được bày bán trực tiếp dưới trời nắng. Bởi với điều kiện thời tiết nắng nóng dễ làm cho bánh lên men, nhanh hỏng hơn so với bình thường. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Không thể “hy sinh nhân dân vì “tư duy nhiệm kỳ”

Việc thu phí nội đô đã được cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu từ lâu nhưng đến nay chưa thực hiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nói rằng việc làm này là khó khả thi, khó đảm bảo được các mục tiêu đề ra là làm giảm phương tiện đi vào những chỗ ùn tắc, giảm ô nhiễm.

Nguồn: Pháp luật Plus