Chống dịch ở cõi... mê

11/04/2020 09:39

Kinhte&Xahoi Người tâm thần, lang thang qua các ổ dịch COVID-19 đều được đưa về đây. Họ bắt tay, “dạy dỗ”, văng nước bọt vào mặt y bác sỹ. Chuyện cự nự, đuổi đánh nhân viên y tế xảy ra như cơm bữa. Đây là “cõi mê” và cuộc chiến chống COVID-19 ở đây cũng không bình thường…

Chăm sóc, hướng dẫn bệnh nhân trong quá trình hồi phục

Tập kết bệnh nhân nửa tỉnh, nửa mê trong dịch

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội nằm trong con ngõ trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên (Hà Nội). Đó là một môi trường bình thường là tĩnh lặng, tách biệt với cuộc đời. Nhưng nay, khung cảnh có phần náo nhiệt. Náo nhiệt bởi một lý do không ai mong muốn - dịch bệnh COVID-19.

Bước qua cổng chính có ngôi nhà bạt dã chiến mới được dựng lên để kiểm soát người ra vào, tất cả khách và đội ngũ y bác sĩ muốn vào trong đều phải bịt khẩu trang, sát khuẩn và kê khai y tế. Phía trong là không gian riêng, đầy những câu chuyện không giống ai của 410 y, bác sỹ và 460 bệnh nhân tâm thần của Hà Nội và vùng lân cận.

Đón tôi, bác sĩ Nguyễn Quang Bính, Phó Giám đốc bệnh viện nói luôn: “Công việc bây giờ nhân đôi. Ngoài chữa trị như trước, chúng tôi làm thêm nhiệm vụ khám sàng lọc và cách ly bệnh nhân có nguy cơ lây bệnh”. Thoạt nghe, việc khám sàng lọc, cách ly cũng giống như các bệnh viện khác. Nhưng, đây là môi trường bất thường và mọi giải pháp cũng bất bình thường, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Bác sỹ Bính kể, cuối tháng 2/2020, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam, nói tiếng Trung Quốc lang thang ngoài đường. Nói tiếng Trung Quốc tức là đến vùng dịch nên, bệnh viện phải ứng phó theo quy trình phòng chống dịch. Bệnh nhân được đưa ngay vào khu vực khám riêng. Bác sĩ khám và đọc thông tin qua bộ đàm.

Bộ phận bên ngoài ghi bệnh án, kê đơn, chỉ định thuốc chữa trị. Hiện bệnh nhân ngoại quốc này vẫn được chữa trị tại đây. “Rất may, sau thời gian theo dõi, xét nghiệm, bệnh nhân không mắc COVID-19. Trước mắt, chúng tôi tiếp tục chữa trị rồi liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc để tìm hướng giải quyết”, bác sĩ Bính nói.

Đón tiếp bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm

Trong công cuộc chống COVID-19 hiện nay, người ta thường bị hút vào các điểm nóng như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ, rồi các CDC (trung tâm kiểm soát dịch bệnh)… Nhưng ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội này, cuộc chiến nóng bỏng không kém và ở một sắc thái không giống bất cứ đâu.

Bình thường, các bệnh nhân tâm thần có thể được chữa trị tại các bệnh viện đa khoa. Nhưng thời kỳ dịch dã này, các bệnh viện đa khoa đang căng mình chống dịch, có nơi đã trở thành ổ dịch nên các bệnh nhân tâm thần được dồn về các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Tâm thần Hà Nội này. Nhiều bệnh nhân tâm thần từng được chữa trị ở Bệnh viện Bạch Mai, Đức Giang (là hai bệnh viện bị phong tỏa, cách ly vì COVID-19 tại Hà Nội).

Bệnh thuyên giảm, bệnh nhân được cho về nhà. Về nhà, bệnh lại phát giữa mùa dịch, người nhà đưa đến hai viện trên không được, nên lại đưa đến bệnh viện này. Vì vậy, dù không chuyên ngành chống dịch, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cũng phải kích hoạt ngay kịch bản phòng chống dịch.

“Khi tiếp nhận bệnh nhân đến từ vùng có dịch như Bạch Mai, Đức Giang hay bệnh nhân lang thang, bị rối loạn tâm thần khác, dù chưa mắc COVID-19, nhưng bệnh viện phải cách ly, chữa trị riêng. Sau 14 ngày, bệnh nhân không có biểu hiện dịch bệnh mới được đưa về khoa tập trung”, bác sĩ Bính nói thêm.

Bác sĩ Bính dẫn chúng tôi đến khu cách ly rộng khoảng 100m2, được chia nhỏ thành các phòng nhỏ ở cuối bệnh viện. Khu vực này trước đây là nơi thăm khám cho bệnh nhi. Từ ngày dịch COVID-19 xuất hiện, khu được trưng dụng, lập thành nơi điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ nhiễm COVID-19. Ba bác sĩ, 18 điều dưỡng thay nhau túc trực, thăm khám cho bệnh nhân. Mỗi ca trực kéo dài từ 6 đến 12 tiếng.

Những “siêu nhân” không sợ dịch

Hơn 15 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, bác sĩ Vũ Thị Mai Dung, Phó Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn đã quá quen với công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Nhưng từ ngày xuất hiện dịch COVID-19, công việc của bác sỹ Dung và đội ngũ y bác sĩ tại đây nhọc nhằn, nguy hiểm gấp bội.

Phần lớn bệnh nhân ở đây không tự chủ được ý thức, hành vi. Tất nhiên, các yếu tố về dịch tễ, lịch sử di chuyển trong thời kỳ virus SARS-CoV-2 cũng mù mờ với họ và thậm chí, cả gia đình bệnh nhân. Giả sử, họ có nhớ, có nói ra, y bác sỹ cũng không dám tin hoàn toàn.

Bệnh viện mới nhận điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn M, 60 tuổi, quê Hà Nội. Bệnh nhân này mắc bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, lúc vui, lúc buồn. Bệnh nhân vào viện trong trạng thái hưng cảm, tuyên bố có nhiều dự án làm ăn lớn. Y bác sỹ không biết ông M làm ăn lớn cỡ nào, giao lưu những ai, ăn uống ở nhà hàng sang trọng nào nhưng “ớn” người khi ông M không đeo khẩu trang, liên tục đòi bắt tay, dạy dỗ bác sỹ cách thức làm ăn, kiếm sống. “Nhiều bệnh nhân vào viện còn la hét, chửi bới, nước bọt văng vào mặt, vào người y, bác sỹ” - bác sỹ Dung nói.

Ở các cơ sở y tế khác, bác sỹ chỉ cần hướng dẫn, bệnh nhân sẽ biết đeo khẩu trang; nhưng tại đây, công việc đó trở nên khó khăn, nhọc nhằn bội phần. Nhiều bệnh nhân vừa được nhắc không cho tay vào mắt, miệng, nhưng bác sĩ vừa quay đi, họ đã làm ngược lại.

Nhưng đó chỉ mới là những thử thách thông thường. Cuối tháng 3/2020 lúc dịch COVID-19 lan rộng, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Phạm Minh S (40 tuổi), quê Bắc Giang. Anh S liên tục kêu gào muốn tự sát vì nghĩ mình vô dụng, không xứng đáng, có tội lỗi với bố mẹ, vợ con. Trước khi vào bệnh viện, anh S nhiều lần tự sát không thành. “Lúc bệnh nhân lên cơn, y, bác sỹ phải giữ, cố định chân tay, tiêm thuốc để tránh bệnh nhân tự tử. Chúng tôi phải chấp nhận nguy hiểm và tất nhiên, cả nguy cơ lây nhiễm ”, bác sĩ Dung nói.

Dịch bệnh khiến sinh hoạt tưởng bình thường của bác sỹ tại đây phải thay đổi theo. “Bệnh viện có mua một ít sữa, bác sĩ, nhân viên nào đói quá có thể uống tạm, chờ hết ca trực. Nhưng mặc đồ bảo hộ như vậy không thể ăn uống, thậm chí đi vệ sinh”, bác sĩ Dung nói.

Câu chuyện kéo dài đã đến giờ trưa. Nhân viên bệnh viện lục tục đưa cơm vào khu cách ly. Với những nơi khác, nhân viên chỉ cần chuyển cơm cho bệnh nhân là xong, còn ở đây bác sĩ có nhiệm vụ chăm sóc bữa ăn cho người bệnh. Bởi một số bệnh nhân từng dùng đũa, thìa để tự sát.

Bác sĩ Nguyễn Văn Xuân, Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết: Để an toàn cho bản thân và gia đình, y bác sỹ và nhân viên ở khu vực cách ly cần ở lại luôn bệnh viện. Nhưng vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, sau ca trực, mọi người đều phải về nhà. “Đây là điều đáng lo ngại, bởi nhiều người sống cùng con nhỏ và người già. Để hạn chế tối đa, tất cả đều phải khử khuẩn, tắm rửa sạch sẽ trước khi ra về. Mọi người động viên, nhắc nhở nhau cùng cố gắng”, bác sĩ Xuân nói. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Có không sự “bảo kê”?

Nghi án cố ý gây thương tích vừa xảy ra tại TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình), nếu xét về mặt nguồn cơn trực tiếp dẫn đến việc các đối tượng bị bắt, thì chỉ thuộc dạng “án vặt.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/chong-dich-o-coi-me-d121657.html