Trong cuộc gặp gỡ cử tri Hải Phòng vào sáng 10/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm chống “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng thể chế để các chính sách được ban hành sát với thực tiễn, phục vụ người dân, phục vụ quản lý xã hội tốt hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri tại huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức cho lĩnh vực xây dựng pháp luật, coi trọng hoạt động này, không chỉ phục vụ cho công tác quản lý xã hội mà còn vì cuộc sống người dân.
Vấn đề chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng thể chế, chính sách tưởng chừng như vĩ mô nhưng thực ra nó gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân và sự tiến bộ của xã hội, phát triển kinh tế của đất nước. Ngay trong cuộc gặp gỡ, cử tri cũng đã đề cập đến vấn đề sát sườn là giá điện, giá xăng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân cả nước thì trách nhiệm điều hành của Chính phủ đến đâu, có “lợi ích nhóm” trong các mặt hàng thiết yếu này không cũng cần minh bạch.
Cũng như khó vạch mặt, chỉ tên, làm rõ các hành vi “chạy chức, chạy quyền” mặc dù biết là nó hiện diện, có thực, trong lĩnh vực “lợi ích nhóm” cũng vậy. Chỉ nhìn bằng "mắt thường" cũng đã thấy các nghịch lý. Ví dụ, tại sao người tiêu dùng lại phải trả tiền cho những thất thoát, thua lỗ mà người ta gây ra khi đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành? Hoặc, vì sao doanh nghiệp thua lỗ nhưng lương cán bộ của doanh nghiệp đó vẫn cao ngất ngưởng, hưởng một đời sống xa hoa? Hoặc nữa, có những sai phạm xảy ra trong quản lý nhà nước mà người đó phụ trách song không bị xử lý hoặc xử lý rất chậm, phải chăng có sự bao che vì cùng “lợi ích nhóm”?
Có thể những chính sách tốt đẹp, hợp lòng dân khi được thực thi cũng không tạo ra một sự phấn khởi làm động lực để phát triển xã hội là do sự chi phối bởi sự bất bình đẳng do “lợi ích nhóm” gây ra. Điện tăng, xăng tăng đi trước một bước khiến ý nghĩa của việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vào tháng 7 tới giảm đi ít nhiều. Chưa kể đến một lực lượng xã hội đáng kể là những người hưởng lương hưu thì cứ âm thầm chờ đợi đấy.
Có những động thái từ các nhà quản lý rất đáng hoan nghênh như việc Bộ Y tế ngừng triển khai việc tăng viện phí và không thu tiền người nhà chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện bởi giá xăng và giá điện tăng trước rồi. Đó cũng là kinh nghiệm của các nhà quản lý khi muốn tăng giá hay thu thuế cần chọn thời điểm thích hợp và chớ có cấp tập để khoan sức dân.
Thủ tướng đã nhìn ra tác hại của việc “lợi ích nhóm” trong xây dựng thể chế, chính sách và quyết liệt chỉ đạo thực hiện việc phòng, chống trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Đó chính là bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân.
Theo Pháp luật Plus