Chủ nhiệm UB Tư pháp 'bẻ' lập luận của VKSND Tối cao

04/09/2019 16:16

Kinhte&Xahoi Khi Viện trưởng VKSND Tối cao nói phải cân nhắc giữa pháp luật và yêu cầu chính trị, lập tức Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga lên tiếng.

Bà Lê Thị Nga: "Nghiêm không có nghĩa là vụ việc chỉ đáng xử lý hành chính lại chuyển qua xử lý hình sự". Ảnh: QUỐC HỘI

Hôm nay (4-9), tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 do Uỷ ban Tư pháp Quốc hội tổ chức, TAND Tối cao và VKSND Tối cao đã báo cáo về vụ án cưa gỗ khô bị TAND tỉnh Kon Tum kết tội trộm cắp tài sản.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng vụ án có quan điểm khác nhau theo chỉ đạo giải quyết của TAND các cấp. Bản án tuyên các bị cáo phạm tội trộm cắp, dư luận cho rằng các bị cáo không phạm tội, hiện các bị cáo đang kêu oan. Tại phiên toà giám đốc thẩm (tháng 6-2019), VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng xét xử các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản.

Theo ông Trí, sắp tới đây, VKSND Tối cao sẽ xem xét vụ án, các bị cáo có phạm tội trộm cắp tài sản hay không có tội.

Tuy nhiên, ông Trí đang băn khoăn về yêu cầu chính trị. “Hiện nay, loại tội phạm xâm hại đến rừng đặc dụng nói chung và phá rừng nói riêng cần được xử lý nghiêm. Yêu cầu chính trị về việc phải xử lý nghiêm này với nhận định của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói các bị cáo không có tội đang có tranh chấp”, ông Trí nói.

“Giữa pháp luật và yêu cầu chính trị, cái nào cần phải được quan tâm hơn là phải cân nhắc thêm”, ông Trí nêu vấn đề.

Nghe vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga lập tức ngắt lời vì cho rằng yêu cầu chính trị về bảo vệ rừng thì các Đại biểu Quốc hội hay các cơ quan tư pháp đều có quan điểm giống nhau là phải xử lý nghiêm. Nhưng nghiêm ở đây là đúng quy định của pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của từng hành vi. Hành vi vi phạm đến đâu xử lý đến đó.

“Hành vi của các bị cáo vi phạm pháp luật thì rõ rồi. Nhưng nghiêm không có nghĩa là vụ việc chỉ đáng xử lý hành chính lại chuyển qua xử lý hình sự. Trong trường hợp chúng ta phát hiện ra quy định về xử phạt hành chính chưa đáp ứng yêu cầu thì phải sửa đổi. Còn hiện nay phải áp dụng đúng quy định của pháp luật”, bà Nga nói.

“Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng, đừng lấy yêu cầu chính trị ra để quy chụp các cơ quan giám sát không bảo đảm tính độc lập của cơ quan tư pháp. Hay anh tiến hành giám sát như vậy là không phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương”- bà Nga, nhấn mạnh.

Viện trưởng Lê Minh Trí tiếp lời: “Tôi còn đang làm chính trị nên tôi phải coi yêu cầu chính trị là một vấn đề phải cân nhắc. Viện phó của tôi nói được nhưng phải có chính trị. Còn thái độ của tôi thì mong Uỷ ban Tư pháp theo dõi. Tôi chia sẻ nhưng về phương pháp công tác, tôi không thể nói trước một việc khi cán bộ bên dưới đang thụ lý. Tôi chỉ nói được khi tôi nghỉ hưu rồi hoặc khi tôi tham gia vào một công việc khác sau khi nghỉ hưu. Viện trưởng không thể nói vội ở hoàn cảnh này được”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng quyết liệt: “Trong pháp luật đã có đường lối chính trị trong đó. Nếu pháp luật chưa hợp lý thì chúng ta phải kiến nghị sửa chứ chúng ta không thể xét xử khác so với quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Lê Hồng Quang cho rằng trong báo cáo của toà án xác định vụ án cưa gỗ khô ở Kon Tum không có oan sai. “Chính xác là tới thời điểm này chưa phát hiện ra oan sai. Việc các đại biểu có nêu quan điểm về vụ án hoặc cách định tội thì tôi cho rằng đó là đoán định tư pháp thôi. Hiện Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao chưa có kháng nghị đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật này nên chưa thể xác định là có oan sai hay không”- Phó Chánh án Lê Hồng Quang, nói.

Cũng theo ông Quang, nếu trường hợp có giám sát dẫn đến việc phải kháng nghị, lúc này quyết định của Hội đồng thẩm phán sẽ là quyết định sau cùng. Khi đó mới biết được kết quả có oan sai hay không.

Năm 2018, TAND tỉnh Kon Tum từng tuyên 5 bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản.

Như đã thông tin, trong buổi họp diễn ra vào ngày hôm qua (3-9), Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp giám sát vụ án cưa gỗ khô bị kết tội trộm cắp tài sản. Bởi trước đó (ngày 8-8), tại buổi họp do Uỷ Ban Tư pháp tổ chức, có Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng quan điểm với ông Nghĩa và Đại biểu Nguyễn Đức Sáu rằng hành vi của các bị cáo là khai thác trái phép.

Tuy nhiên, do không đủ định lượng để xử lý hình sự nên chỉ có thể xử phạt hành chính. Việc kết tội năm bị cáo về tội trộm cắp tài sản là trái với quy định pháp luật.

Đại biểu Nghĩa dẫn chứng vào năm 2011, có một vụ tương tự cũng xảy ra chính ở rừng đặc dụng Đăk Uy. Sau khi địa phương (UBND tỉnh Kon Tum-PV) hỏi về đường lối thì chính Chánh án TAND Tối cao có văn bản hướng dẫn trong trường hợp đó xử tội huỷ hoại rừng.

Thế nhưng, trong vụ án này TAND Tối cao lại kháng nghị yêu cầu xử lý tội trộm cắp tài sản. “Chả nhẽ nhiệm kỳ tới thay đổi Chánh án mới thì lại có hướng dẫn khác? Chúng ta cần có đường lối xử lý nhất quán, trong khi luật vẫn như vậy. Nếu mỗi nhiệm kỳ lại thay đổi đường lối như vậy thì hệ thống pháp luật sẽ thế nào?”- ông Nghĩa, nhấn mạnh.

Theo ông Nghĩa, việc xử tội trộm cắp tài sản sẽ tạo ra tiền lệ “lách luật”, xử tội này không được nhưng tôi muốn xử mấy anh này quá đi thì đổi sang tội kia. Đây là điều cấm kị trong việc áp dụng pháp luật hình sự.

Từ đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề nghị lãnh đạo VKSND Tối cao và TAND Tối cao báo cáo về vụ án.

Diễn biến vụ án

Như PLO từng nhiều lần phản ánh, tháng 4-2016, kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ và Nguyễn Văn Bảy vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa 0,123 m3 cây gỗ trắc đã chết khô (trị giá hơn 19 triệu đồng).

Theo Thông tư liên tịch số 19/2007 (của các cơ quan ban ngành ở Trung ương) thì hành vi này chưa tới mức bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013.

Dù vậy, hai lần xử sơ thẩm TAND huyện Đăk Hà vẫn kết tội các bị cáo 11-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần hai đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội.

Sau đó, năm bị cáo gửi đơn yêu cầu TAND huyện Đăk Hà (nơi từng kết án oan cho các bị cáo) phải xin lỗi thì tòa này từ chối nhận đơn vì cho rằng đang chờ quyết định giám đốc thẩm. Ngay sau đó, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu xử năm bị cáo có tội trở lại.

Tháng 6-2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm đã hủy bản án từng tuyên năm bị cáo không phạm tội để yêu cầu TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm trở lại theo hướng có tội.

Ngày 12-8, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm lần 3 giữ nguyên tội danh về tội trộm cắp tài sản đối với năm bị cáo. Tuy nhiên, tòa có xem xét giảm nhẹ hình phạt cho năm bị cáo. Cụ thể, tòa phạt bị cáo Lê Quốc Khánh 12 tháng tù, Phan Tiến Dũng 10 tháng tù, ba bị cáo còn lại mỗi bị cáo 6-8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus