Chủ tịch Quốc hội: Hạn chế tối đa tình trạng luật khung, luật ống

28/03/2022 14:03

Kinhte&Xahoi Sáng 28/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Hội nghị họp tập trung tại Nhà Quốc hội kết hợp trực tuyến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội dự hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Tham dự khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa rất quan trọng; Là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững, đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cả giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Tại kỳ họp thứ nhất vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, trong đó đặt ra yêu cầu: "Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; Sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá phát triển kinh tế - xã hội".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị

"Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; Tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; Tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện các dự thảo Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, nhấn mạnh và trao đổi một số nội dung cơ bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách đối với 4 dự thảo Luật.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ xác định nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; Quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi; Bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; Khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ… đã sớm được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đề ra.

Mặc dù là Luật sửa đổi, bổ sung nhưng có hơn 100 Điều của Luật hiện hành phải sửa đổi; Đồng thời điều chỉnh một số quy định tại 4 Luật khác có liên quan. Việc ban hành Luật sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Để bảo đảm chất lượng của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến chú trọng vào các nội dung sau: Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; Việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; Về nội dung cụ thể trong các nhóm vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; Kỹ thuật lập pháp cần bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật này và các Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá…

Đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) thì công tác này được coi là động lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và góp phần bảo vệ chế độ chính trị - xã hội. Công tác thi đua, khen thưởng là công cụ quản lý quan trọng, tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, xây dựng con người mới; Lay động mạnh mẽ đến tình cảm, trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào của cộng đồng và sức sáng tạo của tập thể, cá nhân. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; Đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, người dân, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; Quan tâm khen thưởng cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số; Tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến…

Quang cảnh hội nghị

Về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại đợt họp chuyên đề xây dựng pháp luật của phiên họp thứ 9. Tại Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung vào một số vấn đề, phương án quy định cụ thể các điều khoản chi tiết, hạn chế tối đa tình trạng "luật khung, luật ống", nhất là về các nội dung: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; Sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước; Phổ biến phim trên không gian mạng; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

Với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Tiềm năng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam rất lớn, nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao. Trong khi đó, quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn, tỉ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP còn thấp; Chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm không ổn định; Thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện, dễ phát sinh tranh chấp.

Do đó, dự án Luật này đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 và Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 theo hướng sửa đổi toàn diện nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra; Xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Đồng thời, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại, có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics...

Đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản được hoàn thiện, tuy nhiên, các đại biểu phát biểu tập trung, sâu hơn về các vấn đề sau: Về tiếp tục hoàn thiện kết cấu của dự án Luật, nguyên tắc áp dụng pháp luật; Các quy định về các loại hình bảo hiểm; Các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; Quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đại biểu chuyên trách thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba

Sáng 28-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Hội nghị họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội) kết hợp với họp trực tuyến.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ

Những năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà còn chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển với vai trò là mắt xích trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, phụ tùng và bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chu-tich-quoc-hoi-han-che-toi-da-tinh-trang-luat-khung-luat-ong-192773.html