Chủ tịch Quốc hội: Không thể cảm tính trong chia tách đơn vị hành chính ​

29/07/2022 18:00

Kinhte&Xahoi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể của đơn vị hành chính, đô thị phải đánh giá thấu đáo, trên cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học về quản lý nhà nước, quản lý hành chính, các yếu tố về địa lý, văn hoá... chứ không thể cảm tính.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Ngày 29/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Tại tờ trình về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 4/15 điều (điều 2, 9, 12 và 13), bổ sung mới điều 13a, bãi bỏ điều 14 (do chuyển nội dung này sang khoản 2, điều 2 dự thảo Nghị quyết) và thay thế các phụ lục 1, 2, 3 của Nghị quyết 1210. Theo đó, ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định về mục đích, nguyên tắc phân loại đô thị; hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị, rà soát, đánh giá phân loại đô thị; trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị, dự thảo Nghị quyết tập trung bổ sung quy định về phân loại đô thị theo yếu tố vùng miền, sửa đổi quy định về phân loại đô thị áp dụng cho một số đô thị có yếu tố đặc thù.

Liên quan đến đề xuất của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù và giảm tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của 4 loại đơn vị hành chính (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua 6 năm thực hiện, đặc biệt là qua kết quả sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, có thể nhận định, về cơ bản, cả 2 nghị quyết vẫn đang phát huy giá trị tích cực, giúp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc chia tách các đơn vị hành chính, góp phần nâng cao chất lượng đô thị, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân loại đô thị, phân loại đơn vị hành chính và sắp xếp thu gọn số lượng các đơn vị hành chính.

Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương đặt ra yêu cầu về sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số (theo quy định tại Nghị quyết số 1211).

“Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm của Chính phủ và các bộ là chưa nên đặt vấn đề thay đổi, điều chỉnh một cách toàn diện các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đô thị tại thời điểm hiện nay để bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính (phục vụ giai đoạn tiếp theo 2022-2030)”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực tế là vừa qua đã có nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi hai nghị quyết này, nhất là Nghị quyết về phân loại đô thị. Tuy nhiên, cần phải làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, tính toán căn cơ trong giai đoạn hiện nay thì sửa tiêu chí nào, định hướng đối với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, phát triển hệ thống đô thị tới đây ra sao; bởi các tiêu chí, tiêu chuẩn, phân loại đô thị, đơn vị hành chính còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác. Nhất định không thể làm theo cảm tính”, đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, liệu có nên áp dụng một tiêu chí, tiêu chuẩn chung về đơn vị hành chính, phân loại đô thị cho tất cả các địa phương trong cả nước không; hay thiết kế quy định khung tiêu chí để vừa bảo đảm tính thống nhất trong cả nước, nhưng đồng thời cũng tính đến tính đặc thù vùng miền. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng đánh giá toàn diện, giải trình thuyết phục để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến đều nhất trí, chưa sửa đổi toàn diện các tiêu chí, tiêu chuẩn tại hai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn, tiêu chí đối với đơn vị hành chính và đô thị có yếu tố đặc thù để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chỉ đạo mới của Đảng, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị hành chính. Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì soạn thảo) cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ 2 dự thảo nghị quyết mới để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8-2022.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động giám sát, giải trình với những cách làm sáng tạo

Sáng 29/7, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã quý II/2022 và thảo luận chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND các cấp TP Hà Nội.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chu-tich-quoc-hoi-khong-the-cam-tinh-trong-chia-tach-don-vi-hanh-chinh-202233.html