Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả, ứng phó với thiên tai

09/08/2023 08:05

Kinhte&Xahoi Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả, có các biện pháp phòng chống và ứng phó với thiên tai.

Theo đó, ngày 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương ký ban hành công văn số 2990/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Công văn nêu rõ: Từ ngày 04/8 đến ngày 08/8/2023, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có mưa to tập trung trên diện rồng, cục bộ có nơi mưa rất to, lượng mưa đo được phổ biến từ 30 - 100mm; một số điểm mưa lớn tập trung như: Tà Mung 225,8mm, Khoen On 212,6mm, Căn Co 146,8mm…. gây lũ cục bộ trên sông suối, lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương. Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong thời gian tới tỉnh Lai Châu có thể có mưa, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, mô hình độ ẩm đất cho thấy nhiều nơi có độ ẩm đất đạt mức bão hòa, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực vùng trũng, thấp.

Tình trạng sạt lở đất xảy ra trên địa bàn Lai Châu sau trận mưa lũ.

Trước tình hình diễn biễn thời tiết trên, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 05/8/2023 về việc chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh, đồng thời trong 04 ngày từ 05-08/8/2023, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập các Đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra tại một số địa phương; hiện nay UBND các huyện, thành phố đã chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai và nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp, cực đoan của thiên tai, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra thiệt hại về người và tài sản gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 726/CĐ-TTg ngày 06/8/2023 về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền núi và trung du Bắc Bộ.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Làm tốt công tác tuyên truyền để người dân cảnh giác, nâng cao ý thức bảo vệ tính mạng và tài sản; hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất; thông báo đến người dân trong thời gian cao điểm mưa lũ không đánh bắt cá, vớt củi trên lòng sông, suối, lòng hồ; không ở lại lán nương trong thời gian xảy ra mưa, lũ.

2. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm dân cư để tổ chức di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét. Bố trí lực lượng sẵn sàng di dời người và tài sản của Nhân dân đến nơi an toàn

Đối với điểm dân cư bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ: Yêu cầu UBND huyện Sìn Hồ chỉ đạo UBND xã Nậm Cuổi và các đơn vị liên quan triển khai lực lượng túc trực 24/24; chuẩn bị sẵn phương án sơ tán tạm thời cho nhân dân nếu xảy ra tình huống nguy hiểm; tuyên tuyền để người dân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng sơ tán theo yêu cầu của lực lượng chức năng; chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sìn Hồ kiểm tra, rà soát các hạng mục thuộc dự án Sắp xếp Bố trí dân cư tập trung ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao điểm bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi, sớm hoàn thành dự án đảm bảo yêu cầu để triển khai phương án sắp xếp dân cư theo kế hoạch.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu kiểm tra và chỉ đạo khắc phục tình trạng mưa lũ.

3. Tập trung khắc phục nhanh các tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường liên xã. Tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; tổ chức cắm biển cảnh báo, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến hiện trạng điểm sạt lở và tổ chức phân luồng giao thông; tổ chức kiểm tra, khơi thông bùn, rác thải, đảm bảo tiêu thoát nước tại vị trí rãnh, cống thoát nước dọc, ngang đường, tránh trường hợp không xử lý kịp thời để phá vỡ kết cấu nền, mặt đường,....

4. Quản lý chặt chẽ việc san gạt, đổ thải đất đá dọc bờ sông, suối và các tuyến đường giao thông; xử lý nghiêm hành vi đổ thải đất đá lấn chiếm dòng chảy; tăng cường kiểm tra, quản lý việc khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi trên các lòng sông suối để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, đảm bảo dòng chảy thông suốt, tránh lũ quét.

5. Khẩn trương thống kê, xác minh thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội theo quy định đối với nhân dân bị ảnh hưởng thiệt hại do mưa lũ; huy động các lực lượng, các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Lê Hoàng - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/chu-tich-ubnd-tinh-lai-chau-yeu-cau-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-ung-pho-voi-thien-tai-d197203.html