Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đi về từ vùng dịch Daegu, Hàn Quốc

24/02/2020 10:38

Kinhte&Xahoi Các trường hợp có tiền sử đi về từ Thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsan (vùng dịch tại Hàn Quốc) đang được các cơ quan chức năng của TP kiểm soát chặt chẽ.

Chiều 23/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) TP Hà Nội chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. 

Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là tại Hàn Quốc và Nhật Bản, TP phải cập nhật các công việc đã và đang làm, quán triệt các nội dung công việc để triển khai ngay áp dụng các biện pháp phòng ngừa bởi nguy cơ lây nhiễm từ vùng dịch là rất cao. Bởi hiện nay có nhiều người Hàn Quốc trên địa bàn TP Hà Nội; số lượng người Việt Nam ở Hàn Quốc cũng đang rất lớn. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: Chỉ có thể thắng dịch bằng cách chủ động nắm thông tin và có biện pháp xử lý kịp thời.

Hàn Quốc gia tăng nhanh người mắc Covid-19

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 15h00 ngày 23/2, tại Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. 77 trường hợp nghi nhiễm virus Covid-19 đều có kết quả xét nghiệp âm tính. Hiện tại, còn 384 trường hợp phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú; 64 trường hợp cách ly tại Bệnh viện Công an TP.

Trên cả nước, tính đến 15h00 ngày 23/02/2020 đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với Covid-19, tất cả đều đã khỏi bệnh và được xuất viện. Từ ngày 13/2 tới nay chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.

Căn cứ theo số liệu báo cáo của Ủy ban Y tế Trung Quốc, tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang có xu hướng giảm trên toàn quốc nói chung và tại Hồ Bắc nói riêng. Tuy nhiên, dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh và rộng ra các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, sẽ khó kiểm soát đối với các nước khác trong khu vực.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại Hàn Quốc, số ca mắc mới trong 3 ngày gần đây đang có xu hướng gia tăng nhanh. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hàn Ouốc, Hàn Quốc ghi nhận ca xâm nhập đầu tiên ngày 20/01/2020.

  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp

Sau đó Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh xâm nhập khác (chủ yếu có tiền sử đi về từ vùng dịch tại Trung Quốc và một số khác là người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính).

Ngày 18/02/2020, Hàn Quốc ghi nhận trường hợp mắc bệnh thứ 31 là một người phụ nữ 61 tuổi theo đạo Tân Thiên Địa và được coi là người siêu lây truyền tại đất nước Hàn Quốc. Những ngày tiếp theo, Hàn Quốc ghi nhận một số lượng lớn các trường hợp mắc bệnh khác đều là tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa trên và có tiếp xúc với bệnh nhân thứ 31 trong một lễ của giáo phái tại nhà thờ thuộc Thành phố Deagu.

Tính đến 9h sáng ngày 23/02/2020, toàn Hàn Quốc đã ghi nhận 556 hợp mắc, 04 tử vong do COVID-19, trong đó số trường hợp mắc bệnh có liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa là 257 người (chiếm 46%). Mặt khác, Hàn Quốc cũng ghi nhận một ổ dịch tại bệnh viện (Cheongdo Daenam Hospital) thuộc tinh Bắc Gyeongsang (là tỉnh tiếp giáp với Thành phố Daegu) với tổng cộng số người lây nhiễm có liên quan đến bệnh viện là 159 trường hợp (chiếm 28,5%).

Nhật Bản ghi nhận ca bệnh COVID-19 xâm nhập đầu tiên vào ngày 15/01/2020. Sau đó mỗi ngày ghi nhận rải rác vài ca mắc. Từ ngày 15/2/2020 đến nay, số bệnh nhân mắc mới có xu hướng gia tăng (trung bình 10-11 trường hợp/ngày). Tính đến 13h ngày 23/02/2020, Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng 134 trường hợp mắc tại 10/47 tình thành phố trong đó có 03 trường hợp tử vong (02 trường hợp là người Nhật Bản có mặt trên du thuyền Diamond Princess).

Trước đó, ngày 3/02/2020 du thuyền Diamond Princess cập cảng Yokohama và bị cách ly ngoài cảng do phát hiện người nhiễm COVID-19 trên du thuyền Tính đến ngày 23/02/2020, đã có tổng cộng 634 hành khách và thủy thủ đoàn mắc bệnh, trong dó có 02 trường hợp tử vong là người Nhật Bản. Từ ngày 19/02/2020, sau khi kết thúc 14 ngày cách ly tại cảng Yokohama, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép các quốc gia khác thực hiện sơ tán công dân về nước.

Mặc dù tại Việt Nam, số ca mắc vẫn duy trì ở mức 16 trường hợp và tất cả các trường hợp đã khỏi xuất viện, tuy nhiên trước diễn biến tình hình dịch bệnh trên Thế giới, trong khi đó Việt Nam thường xuyên có một lượng lớn người di chuyển các nước này để đi du lịch, sinh sống, học tập nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xâm nhập từ các nước trên là hoàn toàn có khả năng. Vì vậy, cần phải tiếp tục nâng cao sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đi về từ vùng dịch và kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, khoanh vùng sớm, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh.

Ngày 22/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang điều tra 2 trường hợp người Bắc Giang có tiền sử đi về từ Thành phố Daegu (vùng dịch tại Hàn Quốc) có lưu trú tại nhà nghỉ trên địa bàn phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Hiện tại hai người này đã được đưa về Bệnh viện đa khoa Bắc Giang để theo dõi sức khoẻ, kết quả lấy mẫu xét nghiệp đều âm tính với Covid-19. Ngày 23/2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế huyện Ứng Hoà và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình để chuyển 1 trường hợp là lái xe taxi chở 1 sinh viên người Việt Nam du học tại tỉnh Bắc Gyeongsan của Hàn Quốc (vùng dịch tại Hàn Quốc) từ sân bay Nội Bài về Thái Bình. Hiện tại sinh viên này đang được theo dõi sức khoẻ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, lái xe taxi đã được chuyển về Ứng Hoà để theo dõi sức khoẻ tại nơi cư trú.

TP thực hiện nghiêm túc việc cách ly đối với những người đi về từ vùng có dịch, trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt lưu ý không chỉ đối với Trung Quốc mà cả những người đi về từ vùng có dịch của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và các quốc gia khác đã ghi nhận có bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà có biêu hiện ho, sốt, khó thở.

Cần cách ly tại nơi cư trú với người từ vùng dịch tại Hàn Quốc về

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, chúng ta cần quyết liệt triển khai các biện pháp cách ly bởi đây là biện pháp hiệu quả và quan trọng nhất”.

Sở Y tế đề xuất đối với những đối tượng người Hàn Quốc từ vùng dịch về Việt Nam thì phải cách ly nơi cư trú; còn đối với người Việt Nam từ vùng dịch thì phải tổ chức cách ly tập trung. Đối với những người đi nước ngoài (từ vùng dịch) về, địa phương cần nắm chắc danh sách, lịch trình và sức khoẻ để chủ động xử lý kịp thời. Cần tuyên truyền người dân Việt Nam hạn chế đi du lịch đến những vùng có dịch ở thời điểm này.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đề nghị đảm bảo việc cách ly đối với tất cả những người đi từ vùng dịch. Các quận huyện chủ động tuyên truyền với tất cả những người đi nước ngoài và thực hiện cách ly tại cộng đồng nếu cần thiết. Phải kiểm soát thân nhiệt đối với các khách du lịch nước ngoài tại các khu vui chơi, khu du lịch tâm linh. Chủ động nắm bắt sức khoẻ của giáo viên, học sinh. Khả năng số cách ly sẽ nhiều hơn, vì vậy TP cần chủ động rà soát các cơ sở để có đủ khả năng thực hiện cách ly tập trung.

Tại cuộc họp, đại diện quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu giấy (là những địa bàn có đông người Hàn Quốc lưu trú trên) cho biết, đang giám sát chặt chẽ các trường hợp đi về từ vùng dịch; sẵn sàng phòng cách ly và điều kiện trang thiết bị; kiểm tra phòng dịch, sát khuẩn tại các chung cư…

Đại diện quận Hà Đông đề xuất các tờ rơi tuyên truyền về cách phòng chống dịch bệnh Covid-19 cần được dịch sang cả tiếng Anh để người nước ngoài ở TP Hà Nội có thể nắm được thông tin. Về vấn đề này, đại diện quận Bắc Từ Liêm cho biết hiện quận đã phát tờ rơi tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh).
Hạn chế hoạt động các quán bar, karaoke trên địa bàn Hà Nội

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cập nhật tình hình diễn biến dịch tại Hàn Quốc rất phức tạp, chính quyền Hàn Quốc đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất. Ở Iran, mặc dù thời tiết nóng nhưng cũng đã có 28 trường hợp nhiễm, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Qua đó, có thể thấy tiến triển của dịch bệnh rất nhanh; tỷ lệ tử vong cao. “Việc lây nhiễm chéo của Covid-19 hết sức phức tạp, nguy hiểm. Vì thế chúng ta phải cập nhật tình hình dịch bệnh thường xuyên, không được chủ quan” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Hà Nội có nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vì đông dân cư và có lượng người di chuyển từ vùng dịch về rất lớn. Mặc dù chưa có chỉ đạo của Chính phủ, song Chủ tịch UBND TP cho rằng TP phải chủ động có những biện pháp cách ly cụ thể đối với các tâm điểm dịch khác ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kong, Đài Loan, Ý, Pháp…

Đối với các nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND TP yêu cầu mời thêm các phiên dịch tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Anh phối hợp với chính quyền ở những nơi có đông người nước ngoài đến sinh sống và làm việc để tuyên truyền làm sao họ đồng thuận và thực hiện theo các giải pháp mà chính quyền đề ra. Các cơ quan báo chí cần nâng cao mức cảnh báo, kiểm soát về tình hình dịch bệnh.

Các phường, quận, công an địa phương, ban quản lý các toà nhà chung cư kiểm soát các khu vực có người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc với phương châm “đến từng nhà, rà từng hộ” để nắm chắc các danh sách người nước ngoài. Các khách sạn phải ghi lịch trình di chuyển cụ thể của khách du lịch.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các công dân Việt Nam đi từ vùng có dịch cần tự giác thông tin đến các cơ quan chức năng để chính quyền nắm bắt tình hình và kịp thời có các biện pháp xử lý.

Về công tác chuẩn bị các điều kiện cho học sinh đi học trở lại, Chủ tịch UBND TP đề nghị tất cả các lớp học bắt buộc phải có máy đo thân nhiệt, có sổ theo dõi biểu mẫu nhiệt độ của học sinh; chuẩn bị đầy đủ xà phòng, nước sát khuẩn, làm công tác khử khuẩn trước khi học sinh vào lớp và ra về. Không tổ chức chào cờ tập trung dưới sân trường mà chào cờ trong lớp; bố trí giờ giải lao, giờ ăn lệch giờ nên tránh học sinh tập trung đông.

Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế thường xuyên cập nhật đủ 16 phác đồ điều trị đối với các trường hợp đã chữa khỏi tại Việt Nam và phổ biến các phác đồ này cho tất cả các cán bộ y tế cơ sở; thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh. Tổ chức diễn tập đối với các vùng có nguy cơ lây bệnh cao. Kiểm tra kỹ lưỡng các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho công tác dịch bệnh, đảm bảo chất lượng. Chuẩn bị các phương án chi tiết tăng cường lực lượng cán bộ y tế cơ sở để tránh việc quá tải. Ngoài ra, Sở Công thương cần lên phương án đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.

Từ bài học tại tàu Diamond Princess khi đã có trường hợp dương tính với Covid-19 nhưng vẫn tổ chức tiệc tùng và hát karaoke, Chủ tịch UBND TP yêu cầu hạn chế hoạt động của tất cả các quán bar, cơ sở karaoke trên địa bàn TP để tránh lây nhiễm dịch bệnh. “Chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, không chủ quan song cũng cần tránh hoang mang không cần thiết” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đừng chủ quan với Covid-19 ở trẻ em

Tính đến thời điểm hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa nghiên cứu ra bằng chứng và các cơ sở khoa học để lý giải vì sao Covid-19 lại “không thích” trẻ em. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, các phụ huynh nên chủ động trong công tác phòng dịch Covid để bảo vệ con em mình.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/chu-tich-ubnd-tp-ha-noi-nguyen-duc-chung-kiem-soat-chat-che-cac-truong-hop-di-ve-tu-vung-dich-daegu-han-quoc-375795.html