Chưa có ĐTM đã hoạt động, công ty Sơn Nano Việt Nam bị đình chỉ sản xuất

15/11/2018 08:56

Kinhte&Xahoi Theo phản ánh của nhiều người dân, xưởng sản xuất Công ty CP SX Sơn Nano Việt Nam hoạt động nhưng chưa đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

Theo tìm hiểu, Công ty Sơn Nano Việt Nam do ông Nguyễn Ngọc Cảnh làm Tổng Giám đốc có địa chỉ tại số 10, Ngõ 12 Văn Phú, Phường Phú La, Hà Đông, Hà Nội.

Còn xưởng sản xuất của công ty có địa chỉ tại xóm Vân Nam, thôn Vân Lũng, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Theo quan sát thì nơi sản xuất là khu nhà xưởng rộng khoảng hơn 200 mét vuông, nằm trọn trong một khu dân cư, cạnh một trạm biến áp. Phía bên ngoài nhà xưởng hoàn toàn không có biển tên thể hiện đây là địa điểm sản xuất sơn mà treo biển của một số đơn vị như giúp việc, tổ chức sự kiện.

Nơi được cho là nhà máy sản xuất của công ty CP SX sơn Nano Việt Nam là nhà xưởng rộng khoảng 200 mét vuông.

Một số người dân địa phương cho biết, cơ sở sản xuất này đã hoạt động nhiều tháng nay, thường xuyên bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh. Đặc biệt, nhiều người nghi vấn cơ sở này không đủ điều kiện kinh doanh, sản xuất.

Sau khi phát hiện, UBND xã An Khánh, Hoài Đức đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra đối với cơ sở này. Theo biên bản làm việc ngày 13/10 của UBND xã An Khánh với cơ sở sản xuất của Công ty Sơn Nano Việt Nam thì cơ sở này hoạt động sản xuất khi chưa đủ điều kiện bảo đảm về môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Tại thời điểm kiểm tra đại diện cơ sở sản xuất này không xuất trình được giấy tờ Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM và đảm bảo đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy.

Biên bản làm việc giữa UBND xã An Khánh với Công ty CP SX sơn Nano Việt Nam.


Đoàn kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu cơ sở sản xuất này phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan trước ngày 19/10. Nếu không cung cấp đầy đủ thì Công ty cổ phần Nano phải dừng hoạt động theo quy định.

Đến ngày 19/10, Công ty vẫn không xuất trình được báo cáo đánh giá tác động môi trường và các hồ sơ liên quan.

Theo biên bản làm việc ngày 09/11/2018: Hiện tại, địa điểm sản xuất kinh doanh sơn tường của Công ty CP SX sơn Nano Việt Nam do ông Nguyễn Ngọc Cảnh là người đại diện hợp pháp quản lý, điều hành tại thôn Vân Lũng, xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn chưa có đầy đủ hồ sơ giấy tờ pháp lý, chưa thực hiện đúng về quy trình xây dựng nhà xưởng theo Luật Bảo vệ môi trường.

Xưởng sản xuất sơn này nằm rất sát với khu dân cư.

Ngoài ra, công ty cũng chưa có hồ sơ, phương tiện dụng cụ bảo đảm phòng chống cháy nổ. Thế nhưng công ty đã hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu nhà xưởng trên.

Do đó, UBND xã An Khánh đã tiến hành tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất của công ty, thời gian từ 10h ngày 09/11/2018.

Thế nhưng, theo ghi nhận vào chiều ngày 12/11 tại xưởng của công ty ở thôn Vân Lũng, An Khánh thì cơ sở này vẫn đang hoạt động và có một số người mặc trang phục bảo hộ đi lại bên trong.

Ghi nhận vào chiều 12/11, cơ sở sản xuất này vẫn đang mở cửa và hoạt động.


Theo khoản 2 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường quy định: Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Tại Mục d khoản 2 Điều 25 quy định: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng.

Nhiều người dân lo ngại việc một công ty sản xuất sơn lại ngang nhiên nằm giữa khu dân cư có đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân hay không? Hơn nữa, Công ty này lại chưa chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy?


Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence

Tại cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ lên tầm cao mới, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng thể chế chính trị của nhau; đề nghị hai bên tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là trao đổi đoàn cấp cao.