Đó là quan điểm nhận được nhiều sự đồng thuận từ các đại biểu tham gia tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới (TLTHM): Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” diễn ra mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM).
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Người tiêu dùng có quyền tiếp cận mọi loại sản phẩm thuốc lá hợp pháp
Tại tọa đàm, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký bày tỏ sự bất ngờ khi TLTHM dù đã hiện diện trên thị trường gần 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa chịu sự kiểm soát của pháp luật.
Ông Trung đánh giá, trừ những nước chậm tiến, TLTHM bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) ở các quốc gia trung bình khá trở lên đều đã được áp dụng quy định pháp luật chặt chẽ để quản lý và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tại buổi tọa đàm, sau những chia sẻ của các cơ quan, ban, ngành liên quan về những khó khăn trong việc phòng, chống buôn lậu TLTHM khi sản phẩm này chưa được hướng dẫn cụ thể trong các văn bản pháp luật, ông Trung nhấn mạnh, đã đến lúc cần nhìn thẳng sự thật để sớm đưa ra chính sách đối với TLTHM. Ông Trung cũng thẳng thắn chia sẻ thực trạng về tệ nạn buôn lậu TLTHM với diễn tiến leo thang cho thấy “thực tế các vấn đề trong cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, chứ không chờ chúng ta bàn qua bàn lại”.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng nhận định, đã gọi là thuốc lá thì bất kể đó là thuốc lá truyền thống hay TLTHM thì đều cần được phòng, chống tác hại.
Theo đó, cần bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức của người dùng về tác hại của khói thuốc. Sau đó, nếu biết hại mà người dùng vẫn chọn sử dụng thì đó là quyền tự do hợp pháp của họ, các nhà quản lý không thể can thiệp mà chỉ có thể gián tiếp bảo vệ.
Không được cung cấp hợp pháp, người dùng tất yếu tìm đến hàng lậu
Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng cho rằng, ngoài nâng cao năng lực kiểm soát thuốc lá của quốc gia, việc sớm có khung pháp lý về TLTHM sẽ góp phần ngăn chặn hàng lậu. Bởi nếu người dùng không được đáp ứng nhu cầu có thật, thì việc họ tìm kiếm các sản phẩm lậu là tất yếu. Chính điều này dẫn đến lo ngại từ Đại biểu Quốc hội Phong Lan. Theo bà, hút thuốc lá là tác hại, nhưng hút thuốc lá lậu với nhiều nguy cơ, rủi ro thì từ hại đơn trở thành hại kép. Vì vậy, theo bà Phong Lan, việc tăng thuế cho TLTHM cần cẩn trọng và thực thi đồng bộ cùng các chính sách khác, tránh việc tăng thuế khiến người mua tìm đến hàng lậu với giá rất rẻ, Nhà nước vẫn thất thu thuế. Đặc biệt, khi Việt Nam có đường biên giới giáp với nhiều quốc gia, vấn đề kiểm soát kênh hàng lậu là không dễ dàng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM.
Đề cập đến vấn đề buôn lậu TLTHM ngày càng tăng gây thất thoát hàng tỷ đồng cho Nhà nước, ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (QLTT), Tổng cục QLTT cho biết: “Những tháng cuối năm 2020, chúng tôi đã phát hiện và xử lý trên 15.000 sản phẩm TLĐT, năm 2021 con số này là 70.000, năm 2022 là trên 10.000. Ba tháng đầu năm 2023, chúng tôi đã xử lý trên 10.000 sản phẩm TLĐT”.
Điểm đáng chú ý tại tọa đàm là cơ sở pháp lý để kiểm soát các mặt hàng TLTHM, cụ thể là công tác trình Chính phủ về Nghị định 67 sửa đổi, được Bộ Công Thương cập nhật tiến độ. Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: “Để hoàn thiện hình thức và chính sách cụ thể đối với các loại hình TLTHM, vừa qua Bộ Công Thương đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đối với dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Trong đó, Bộ Công Thương có đề xuất đưa TLTHM vào quản lý dưới hình thức quy định trong Nghị định 67 sửa đổi và sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý 2/2023”.
Kết thúc tọa đàm, bà Phong Lan nhìn nhận, mọi đối tượng đều xứng đáng được bảo vệ, bao gồm giới trẻ, cộng đồng và những người đang hút thuốc với độ tuổi hợp pháp (đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách quản lý). Do đó, đưa TLTHM vào quản lý theo luật hiện hành là hành động không thể chậm trễ hơn.
Sau nhiều hội thảo giữa các bộ, ngành liên quan kể từ chỉ đạo của Chính phủ năm 2017 đến nay, vấn đề kiểm soát TLTHM ngày càng cần thiết và cấp bách, bởi nhu cầu của xã hội là có thật. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần có tiếng nói đồng thuận về chính sách quản lý TLTHM tại Kỳ họp Hội nghị các bên lần thứ 10 (COP10) vào tháng 11/2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) mà Việt Nam là quốc gia thành viên.
H.T - Pháp luật Plus