Chuyện đời bên những xe rác: Ôm gối khóc một mình vì… tủi thân

05/07/2019 15:27

Kinhte&Xahoi Sống chung với rác, mưu sinh từ rác, những đồng lương ít ỏi từ công nhân quét rác không chỉ cho họ một nguồn sống mà với nhiều người, nghề rác còn đem lại cho họ những thành công nhất định nếu bản thân họ biết phấn đấu và cống hiến cho nghề.

Dọn rác thâu đêm giao thừa

Giờ đã 46 tuổi, chị Hoàng Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội đã có gần 30 năm gắn bó với nghề quét rác. Năm 1992, khi vừa tròn 19, thi trượt đại học, chị Hạnh được mẹ xin cho vào làm tại công ty môi trường.

Chị Hạnh chia sẻ, ngày đó, công ty có tên là Công ty Vệ sinh nên trong con mắt và ánh nhìn của mọi người đối với công việc này nó có phần rẻ rúng và khinh thường lắm. Sau này việc thay đổi tên gọi của công ty cũng khiến những người công nhân tự tin hơn khi nói về nơi mình làm việc.

Mọi nẻo phố đều trở bên sạch sẽ khi có công nhân quét rác đi qua

Ánh mắt coi thường của nhiều người thời đó với nghề quét rác còn bởi công nhân môi trường khi đó đa số là những lao động có trình độ thấp chỉ học hết lớp 3, lớp 4.

“Đến thế hệ về sau này, thế hệ bây giờ, phần lớn công nhân có trình độ cấp 3 trở nên, nhiều bạn có trình độ trung cấp, cao đẳng nhưng vẫn vào đây làm”, chị Hạnh cho biết. Nhớ lại những ngày đầu trở thành công nhân quét rác, chị Hạnh chỉ in trong đầu hai chữ “tủi thân”.

Ngày ấy cô gái nhỏ bé, trắng trẻo, xinh xắn, nhà nội thành Hà Nội lầm lũi đẩy chiếc xe gom rác to gấp đôi, gấp 3 người khiến nhiều đêm chị Hạnh về ôm gối khóc một mình.

“Cảm xúc những ngày đầu tiên đi làm của chị tủi thân lắm em ạ! Vô cùng tủi thân! Ngày ấy đi gom rác chưa có bảo hộ lao động như bây giờ, chưa có mũ bảo hộ, mà chị đội nón, buộc cái khăn mùi xoa vào quai nón đi quét, vừa là ngăn mùi, vừa là che mặt.

Ngày ấy vỉa lại không phải vỉa khô như bây giờ, mà toàn là lòng đường và mép cống, chị cầm cái cán chổi dài 2m, quét không quen liền nhao đầu xuống cống. Lúc đó bởi mình chưa biết nên quétsai kỹ thuật”. “Cộng với đó, việc lần đầu tiên những mùi hôi thối của rác xộc lên mũi khiến chị nhiều lần nôn ọe.

Những túi rác đầy nước, ướt sũng khiến mình ghê sợ nhưng vẫn phải lấy tay xách lên vứt vào xe rác. Mỗi lần thu gom rác xong, tới giờ nghỉ ngơi, mình không dám ngồi gần chỗ người khác. Vì người mình khi đó toàn mùi mồ hôi, mùi rác lẫn vào nhau thì ai mà chịu cho được. Bởi vậy những lúc nghỉ ngơi thường chỉ có mấy anh chị em công nhân với nhau tìm chỗ ngồi riêng biệt ăn cơm, trò chuyện với nhau thôi”, chị Hạnh buồn thiu nhớ lại.

Chị Hạnh còn nhớ, cách đây gần 30 năm, đường Hà Nội chưa có vỉa hè khô như bây giờ mà toàn là lòng đường và miệng cống. Vì dáng người quá nhỏ lại phải cầm chiếc chổi dài 2m, chưa thuộc quy cách cầm chổi, cách quét nên chị Hạnh không ít lần ngã lao đầu xuống cống. Bộc bạch về những ngày đầu ấy chị Hạnh nói bản thân ảnh hưởng cả tới sức khỏe lẫn tinh thần.

“Một tuần liền về chị đau hết cả 2 tay, cơ bắp, mẹ chị phải rang muối với ngải cứu để xoa cho chị, khi đó cũng nản lắm chị khóc với mẹ. Vì ở nhà chị có phải làm việc nặng bao giờ đâu, nhưng rồi lâu dần cũng quen. Ban đầu chị chỉ nghĩ là làm một vài tháng để kiếm tiền thi lại đại học nhưng công việc nó cứ cuốn mình đi rồi yêu nghề lúc nào không biết”.

Tốt nghiệp xong cấp III, bạn bè cùng trang lứa đều đi học, đi làm những công việc nhẹ nhàng, sạch sẽ được người khác ngưỡng mộ. Bản thân chị Hạnh lại trở thành một công nhân quét rác, nên khoảng 1 tháng đầu tiên gặp bạn bè chị đều ngại và giấu khi mọi người hỏi về công việc đang làm. Mỗi lần bạn bè hỏi về công việc chị đều né tránh.

Việc chị Hạnh trở thành công nhân quét rác không nhận được sự ủng hộ của ai trừ mẹ chị. Bản thân bố chị Hạnh là người phản đối gay gắt việc chị theo nghề công nhân quét rác. Bởi bố chị cho rằng, cái nghề này là cái nghề tận cùng của xã hộisợ chị không lấy được chồng. Vì cách đây gần 30 năm, nghề này bị người dân coi thường và mặc định là nghề thấp hèn trong xã hội cùng với đó là lương thấp, vất vả.

Phải mất hơn 1 năm, chị Hạnh tham gia các hoạt động Đoàn thanh niên thì tinh thần mới trở nên vui vẻ, thoải mái. Cùng với đó là chị cũng có thu nhập ổn định, về khoe với bố mẹ. “Tháng lương đầu tiên chị để đành dành tiền mua một chiếc đồng hồ cho gia đình. Chiếc đồng hồ những năm 90 hãy còn quý lắm. Thấy vậy, bố chị cũng thoải mái hơn nhưng chị biết, sâu thẳm trong ông thực sự thương con gái”, chị Hạnh rưng rưng nhớ lại.

Sau này khi chị Hạnh có người yêu, người mà sau này trở thành chồng chị, may mắn anh là người thấu hiểu cho công việc của chị. “Chị vô cùng may mắn khi anh yêu chị và yêu luôn cả công việc của chị. Công việc của chị khi đó phải làm ca đêm nhiều, anh thì làm giờ hành chính nên thời gian hai người gặp nhau rất ít. Những buổi tối hẹn hò của hai đứa là anh đẩy xe rác đi trước, chị cầm chổi quét rác đằng sau. Xong việc hai đứa lại đưa nhau đi ăn bát phở, bát bún rồi về”.

“Chị nhớ có năm, đêm 30 Tết chị phải làm tăng ca, anh đến đón chị rồi cùng làm với chị luôn. Trời mùa đông mà khi dọn hết rác suốt hai quãng đường và chuyển lên xe thì chiếc áo của anh ấy cũng đẫm mồ hôi. Hai đứa xong việc cũng là 2h sáng ngày mùng 1 Tết”, chị Hạnh xúc động nhớ lại.

Tình yêu của những người công nhân môi trường nó cũng đặc biệt như chính công việc mà họ đang làm. Nó là một thứ tình yêu khó khăn, kỳ lạ nhưng lại khiến người ta “say”. Bởi mỗi khi thấy con đường sạch sẽ, cũng giống như yêu nhau lâu ngày mà gặp được người thương vậy. Người ta yêu công việc quét rác bởi công việc đó mang lại lợi ích cho cộng đồng.


Chị Hoàng Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, đã có gần 30 năm gắn bó với nghề quétrác.

Mất ăn mất ngủ vì lo phơi nhiễm

Gần 30 năm trong nghề, chị Hạnh nếm trải đủ hết những nỗi đắng cay trong nghề. Chị Hạnh còn nhớ như in lần thu gom rác trên con đường Ngô Thì Nhậm, trong đống rác sinh hoạt có một túi bóng đen, do chưa có kinh nghiệm và không biết chị Hạnh vô tư lấy tay xách túi rác bỏ lên thùng. Nhưng không may, bên trong bọc túi đen đó có kim tiêm và nó đã đâm vào tay chị.

“Sợ hãi, hốt hoảng là những cảm xúc đầu tiên của chị. Khi đó chị vội vàng cởi găng tay nặn máu ra vì tin rằng việc đó sẽ giảm tỉ lệ gặp phải các bệnh lây nhiễm. Sau đó chị phải đến bệnh viện da liễu kiểm tra nhưng trong thời gian 3 tháng phơi nhiễm thì chưa có kết quả chính thức. Ba tháng đấy đối với chị nó là địa ngục bởi 3 mất ăn mất ngủ, tâm lý lo lắng.

Sau 3 tháng chị có kết quả âm tính thì gánh nặng mới được trút bỏ”, chị kể. Đó là một trong những tai nạn nghề nghiệp mà đa phần người công nhân lao động môi trường đều gặp phải. Việc những mảnh sành, mảnh thủy tinh, kim tiêm… đâm và làm rách tay đã trở thành việc bình thường với người công nhân quét rác.“Ngay khi làm nghề này là các chị đã phải chấp nhận những rủi ro đó rồi”, chị Hạnh thủ thỉ.

Việc người dân có ý thức kém trong việc phân loại rác thải đã làm tăng nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động đáng tiếc cho những người công nhân môi trường. Ngoài ra những vụ công nhân môi trường bị xe “điên” tông phải cũng không hề hiếm. Là cán bộ công đoàn nên chị Hạnh rành rẽ không ít trường hợp, như anh Nguyễn Đức Cường, sinh năm 1964, đã có 15 – 16 năm trong nghề, vào tháng 7/2016, khi làm xong anh vào khóa hòm đồ trên vỉa hè thị bị 1 chiếc taxi lao nhanh đâm thẳng vào người.

Anh Cường may mắn sống sót nhưng hiện nay anh bị tổn thương đến 85% sức khỏe. Anh Cường hiện đang phải sống thực vật. Hàng ngày, vợ anh cũng là một công nhân môi trường phải bơm cháo qua ống xông. Gia đình anh Cường có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi cả nhà 8 người phải sống trong ngôi nhà chật hẹp. Mẹ anh Cường năm nay cũng đã hơn 80 tuổi, bởi vậy đời sống kinh tế phải phụ thuộc hết vào người vợ của anh với mức lương công nhân quét rác ít ỏi.

Đây là hoàn cảnh đặc biệt mà năm nào công đoàn của công ty cũng ưu tiên thăm hỏi, hỗ trợ. Hiện tại, mức lương trung bình của công nhân môi trường hiện nay là khoảng 7 triệu. Đây được coi là mức lương thấp so với sức lao động nặng nhọc mà họ phải bỏ ra. Những công nhân môi trường phải thường xuyên làm tăng ca bởi tình trạng thiếu lao động.

Những khoản tiền thưởng vào ngày lễ Tết cũng không đủ bù đắp cho cuộc sống của họ. Nhiều công nhân sau khi làm ca tại công ty môi trường còn phải tranh thủ thời gian rảnh đi làm bốc vác, chở vật liệu… kiếm thêm thu nhập.

Theo chị Hạnh, một trong những nguyên nhân khiến nghề công nhân môi trường ngày càng thiếu lao động trầm trọng là do mức lương thấp. Điều này bị ảnh hưởng bởi chính sách của công ty, đặc biệt là việc ngày càng ít đi các đơn hàng bởi sức cạnh tranh của thị trường quá lớn.



Trở thành công nhân quét rác có đơn giản?

Bất kể một nghề nghiệp nào nếu muốn làm tốt, làm giỏi thì đều phải học hỏi và nghề quét rác cũng không ngoại lệ. Những“phu rác”cả đời ngụp lặn trong mùi hôi thối của rác, dẫu nhiều người nghĩ đây chỉ là nghề dành cho những người ít học và kém cỏi. Nhưng không phải, quét rác cũng là một nghề đầy gian nan và thử thách, nó cũng có những yêu cầu riêng đối với người công nhân.

Và những yêu cầu đó cũng không phải đơn giản, ai cũng làm được. Đơn cử như việc đẩy một xe rác, cầm chổi quét, những tưởng chúng đơn giản nhưng tất cả đều phải có quy trình để đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn như việc đẩy thùng rác, các công nhân sẽ được đào tạo đẩy thùng rác cách vỉa hè 20 cm, chổi xẻng để bên phải.

Đối với xe gom rác không được tập kết quá 3-5 xe tại các ngã 3, ngã 4, đi bên phải đường, không chất rác quá 20cm gây khuất tầm nhìn gây nguy hiểm cho cả mình và người đi đường. Công nhân mới vào phải học một lớp huấn luyện lao động. Sau khi học xong thì phải có bài thu hoạch, đạt được yêu cầu mới ký hợp đồng lao động.

Hàng năm công ty đều có các lớp huấn luyện an toàn lao động cho lao động và cán bộ trực tiếp làm vệ sinh theo từng theo Luật lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Khi công nhân về đơn vị thì sẽ do tổ trưởng phân công và có 1 người đi kèm để giới thiệu sau 1 tuần mới có thể giao tự đi làm. Còn công nhân lái phụ xe thì đặc thù tiêng nên yêu cầu có kỹ thuật được đào tạo lái xe, có bằng lái…

Nếu như vi phạm những quy định của công ty, lao động sẽ bị xử lý: Nhắc nhở, cảnh cáo và sa thải. Từ đó có thể thấy, việc để trở thành một người công nhân quét rác đúng chuẩn, có thể yêu nghề và bám trụ với nghề cũng là điều không hề đơn giản. Phương châm của những người công nhân quét rác mà tôi gặp hầu hết đều là “Làm đến khi nào đường sạch rác”.

Họ cảm thấy vui, thấy hạnh phúc khi giúp người khác có được một môi trường sống trong lành dù nghề của họ còn chịu nhiều ánh nhìn bất công. “Công nhân môi trường các chị chỉ mong mọi người có ý thức giữ gìn vệ sinh. Bởi mọi người có ý thức giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi đã giảm bớt cho bọn chị rất nhiều vất vả. Hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Và đặc biệt, mọi người hãy bỏ những ánh nhìn miệt thị rằng công nhân môi trường chỉ là người rác rưởi. Hãy trân trọng những người làm nghề quét rác như các chị”, chị Hạnh gửi gắm nguyện vọng. 

“Không biết bạn lao công ấy có thường làm ở khu nhà mình không? Nhưng mình luôn cảm nhận và trân trọng việc làm của họ. Có những lúc đi đổ rác thôi cũng tâm sự bên xe rác 30 phút. Tết thì cũng có tí lòng mọn. Cái tuyến đường bạn ấy bị nạn mình hay đưa đón con đi học cuối tuần thường thấy các chị, các bạn ấy hay quét rác trên đường vào tầm tối trời mà không có rào chắn, bảo vệ báo hiệu. Có lúc thì có áo phản quang nhưng có lẽ do tiết kiệm nên cái áo ấy đã cũ đều mất hết phản quang. Trong khi đó các phương tiện thì cứ phi ầm ầm.

Thương và tiếc cho người xấu số gặp phải ma men ô tô điên. Nhưng mình thấy để đảm bảo an toàn cho người lao động đô thị, Hà Nội cũng cần quan tâm tới công nhân môitrường đô thị bằng việc có những biện pháp đảm bảo an toàn và an sinh cho những công nhân vệ sinh môi trường. Thương lắm những đứa trẻ ngơ ngác vì mất mẹ!”. - Một chia sẻ trên facebook sau vụ tai nạn xảy ra với nữ công nhân môi trường hồi tháng 4/2019. 

“Có lần, tôi tận mắt chứng kiến một chiếc ô tô đẹp đi trong ngõ, ngang qua xe phu rác đang đẩy. Xe chậm lại, từ trong xe, một cô gái hạ kính rồi lẳng ngay chiếc bỉm vàng khè vào xe rác. Bởi xe không dừng hẳn nên cú ném ấy không trúng đích mà trúng đầu phu rác. Uất ức, phu rác chửi. Xe dừng, người chồng phi xuống vớ ngay cái xô rác ở gần đó vụt tới tấp vào đầu phu rác. Phu rác chỉ biết thụp xuống ôm mặt khóc”. - Nguyễn Thế Duyệt (trích từ facebook). 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Nhiều tuyến đường nội đô ùn ứ rác thải, bốc mùi nồng nặc

Từ sự việc, người dân xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tập trung chặn xe chở rác thải vào bãi rác để phản đối chính quyền chậm đền bù di dời. Tình trạng này kéo dài khiến cho nhiều khu vực nội thành Hà Nội ùn ứ, ngập trong rác thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Nguồn: Pháp luật Plus