Chuyên gia nói gì về việc cải tạo sông Tô Lịch thành công viên?

20/09/2020 11:09

Kinhte&Xahoi JVE muốn cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên lịch sử-văn hoá-tâm linh bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Sự việc ngay lập tức được sự quan tâm của dư luận.

Ảnh minh họa

VE muốn cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên lịch sử-văn hoá-tâm linh bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Sự việc ngay lập tức được sự quan tâm của dư luận.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhật Việt (JVE – đơn vị tham gia dự án làm sạch sông Tô Lịch) gửi công văn tới lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT JVE, nếu chỉ thu gom, xử lý nước thải ở bên ngoài và hai bên sông của dự án cống ngầm thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung thì vẫn chưa đủ. Lúc này, nguồn ô nhiễm bên trong lòng sông do tầng bùn đáy và bề mặt sông vẫn chưa được xử lý, kể cả phương án bổ cập nước.

Chính vì vậy, ngoài việc thu gom nước thải, bổ cập nước bên trong lòng sông Tô Lịch sẽ được áp dụng công nghệ sục khí Nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ ô nhiễm. Được biết, sông Tô Lịch sẽ được kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay.

Nếu làm được điều này, dòng sông vốn ô nhiễm sẽ được hồi sinh đúng nghĩa với dòng sông trong xanh. Sông Tô Lịch sẽ có thảm thực vật hai bên bờ cùng các khu vui chơi, giải trí, bãi đỗ xe phong cách Nhật Bản và dịch vụ thuyền rồng trên mặt sông.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong đề xuất của JVE có việc sẽ kè sông thẳng đứng. Việc này ban đầu sẽ rất tốt, nhưng sau này nước sẽ không ngấm được xuống dưới lòng đất. Sông sẽ trở thành một kênh nổi, không có các loài thủy sinh như cá, tôm hay các sinh vật khác. Các đơn vị chỉ có thể kè đoạn một chứ không nên kè hết.

"Thêm một vấn đề chúng ta cần bàn đến là nguồn kinh phí thực hiện, duy tu sau khi hoàn thành. Trước khi đi vào thực tế, chúng ta phải kiểm soát quy trình thật chặt chẽ, kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Nhà thầu đưa ra đề xuất nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thẩm định năng lực nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần giám sát nhà thầu trong quá trình xây dựng và chăm sóc cho công trình sau này, ông Trung nhận định.

Tiếp đó, tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) cho rằng: “Cải tạo là tốt, phát triển du lịch là tốt nhưng theo tôi đặt chữ tâm linh vào tên dự án không được thật cho lắm, giống như để thổi phồng dự án”.

Theo ông Khải, lý thuyết là thế, tuy nhiên thực tế thực hiện như thế nào thì đơn vị đấu thầu cần công bố kế hoạch chi tiết, cụ thể và rộng rãi cho người dân được biết. Từ đó người dân cũng như giới khoa học sẽ có những góp ý về tính khả thi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, muốn làm sạch sông Tô Lịch thì cần phải hiểu rõ nguồn gốc của nó. Đề xuất thì hay, tuy nhiên có làm được như tên nhà thầu đặt hay không lại là vấn đề khác.

“Chúng ta phải thực hiện từng bước, có kế hoạch cụ thể. Và nếu xây cầu như mô phỏng của JVE thì cần nghiên cứu kỹ bởi sông Tô Lịch rất cạn, xây móng thì phải đào sâu lòng sông khá phức tạp. Chính vì vậy, phía nhà thầu cần có sự góp ý của các nhà khoa học Việt Nam cũng như các nhà quản lý như vậy dự án mới đi đến kết quả tốt đẹp nhất”, ông Hà Đình Đức chia sẻ.

Theo Phạm Đông - Lao động 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-cai-tao-song-to-lich-thanh-cong-vien-20200920074836136.htm