Chuyên gia tội phạm học "mách nước" cho cha mẹ dạy con tránh bị bắt cóc

04/10/2023 11:26

Kinhte&Xahoi Theo Thượng tá Hiếu, để tránh tối đa rủi ro việc bắt cóc, cha mẹ nên dạy cho con biết những người lạ có thể tin tưởng gồm thầy cô giáo, công an, bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường…

Thời gian gần đây liên tục xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em. Điển hình, chiều 2/10, một bé gái 3 tuổi ở TP Tân An (Long An) bị người quen bắt cóc chở lên TPHCM rồi đòi 2 tỷ đồng tiền chuộc.

Trung tuần tháng 8, tại phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) cũng xảy ra vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng.

Nghi phạm Nguyễn Thanh Sơn, 34 tuổi bị cảnh sát bắt giữ khi bắt cóc bé gái 3 tuổi ở TP Tân An, Long An tống tiền 2 tỷ đồng (Ảnh: Công an cung cấp).

Hơn 10 ngày trước đó, một bé gái 2 tuổi ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng bị nữ giúp việc bắt cóc đòi 1,5 tỷ đồng tiền chuộc.

Trên đường di chuyển, sợ lộ dấu vết, nghi phạm này đã sát hại nạn nhân rồi phi tang ở huyện Văn Giang, Hưng Yên. Nữ giúp việc đã nhảy sông tự tử vài ngày sau đó.

Trước loại hình tội phạm này, TS tội phạm học - Thượng tá Đào Trung Hiếu - cho biết, từ xưa đến nay có nhiều vụ bắt cóc, người thực hiện đều có kết cục bị công an bắt, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do suy thoái kinh tế xã hội dẫn đến nhiều người mất việc làm, rơi vào tình trạng túng quẫn.

TS tội phạm học - Thượng tá Đào Trung Hiếu.

Bị dồn vào bước đường cùng, họ sẽ không còn cách nào khác để thỏa mãn nhu cầu về chi tiêu nên thực hiện hành vi phạm tội, giống như câu "đói ăn vụng, túng làm liều".

Loại tội phạm này thường hướng đến gia đình có điều kiện để ra tay, lấy nạn nhân làm con tin đòi tiền chuộc. Vì thương con, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để chuộc con về.

Hành vi bắt cóc cùng lúc xâm phạm đến nhiều khách thể như quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể, quyền tài sản. Số vụ án liên quan bắt cóc không nhiều nhưng mỗi khi xảy ra đều gây chấn động xã hội.

Theo Thượng tá Hiếu, để tránh tối đa rủi ro việc bắt cóc, cha mẹ nên dạy cho con biết những người lạ có thể tin tưởng gồm thầy cô giáo, công an, bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường…

Dạy con nhớ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà mình, nghề nghiệp bố mẹ nhưng phải giữ bí mật thông tin, chỉ nói với những người có thể tin tưởng. Dạy trẻ không được nói chuyện hay đi theo người lạ, tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì người lạ đưa cho để tránh thức ăn có tẩm thuốc mê.

Đồng thời, cha mẹ dạy trẻ biết ứng xử khi có người lạ kéo, dắt đi bằng cách gào khóc thật to để gây sự chú ý của người xung quanh hoặc kêu cứu.

Khi trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, cần dạy trẻ tuân theo quy định người phụ trách, không được tách đoàn, dễ bị đi lạc, bắt cóc.

 Quốc Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phẩm chất quan trọng hàng đầu

Ngày 2/10, Hội nghị Trung ương Đảng 8 (khóa 13) đã quyết định thi hành kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng với một Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh phía Nam.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/chuyen-gia-toi-pham-hoc-mach-nuoc-cho-cha-me-day-con-tranh-bi-bat-coc-d199288.html