Mới đây, trong lễ khai mạc triển lãm “Chủ tịch Xuphanuvông - Người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam” do Bảo tàng Hồ Chí Minh Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản, Lào tổ chức nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Xuphanuvông (13/7/1909 - 13/7/2019), đại diện lãnh đạo bảo tàng hai nước Việt – Lào đã có bức ảnh lưu niệm chụp bên bức tranh “Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông”.
Trước đó không lâu, vào tháng 5/2019 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, bức tranh đã được chính tác giả là họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp trân trọng tặng cho bảo tàng.
“Cảm xúc vẽ tranh đến với tôi từ sau chuyến đi Lào”
Từ những tư liệu của cuộc triển lãm, có thể thấy, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Hoàng thân Xuphanuvông luôn mang nặng ân tình với Bác Hồ kính yêu và tình cảm của ông với nhân dân Việt Nam ngày càng sâu đậm.
Ông đã trở thành tấm gương sáng ngời, một hiện thân cao đẹp của tình đoàn kết keo sơn, thủy chung, trong sáng Việt Nam - Lào. Cùng với thời gian mối quan hệ của hai quốc gia cho tới ngày nay vẫn luôn được chăm lo xây dựng, vun đắp để ngày càng xanh tươi và bền vững.
Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân chụp năm 1951.
Trong chuyến đi thăm đất nước Lào của mình, họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp (SN 1947 tại Nghệ An, từng học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội; là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã cảm nhận được tình hữu nghị thiêng liêng này.
Để rồi sau đó, “Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông” là bức tranh đầy tâm huyết, là tác phẩm được vẽ nên từ cảm xúc của người họa sĩ sau chuyến đi Lào cũng như từ tình yêu của ông đối với nước Lào, với đồng bào dân tộc Lào nói chung và Hoàng thân Xuphanuvông nói riêng. Bức tranh đã được họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp vẽ trong 2 năm từ 2010 đến 2012.
Chia sẻ thêm về quá trình sáng tác bức tranh, họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp cho biết: “Xuất phát từ tình cảm yêu mến và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông, tôi đã đọc và tìm hiểu nhiều về câu chuyện, các cuộc gặp gỡ lịch sử của Bác và Hoàng thân. Chuyến gặp gỡ đầu tiên của hai người diễn ra năm 1945, đến cuối năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mời Hoàng thân sang Việt Nam, cuộc hội ngộ lần này là tại căn cứ địa Việt Bắc.
Trong thời kỳ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân thường trao đổi về những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của cách mạng Lào, việc xây dựng mối liên minh, đoàn kết trong cuộc chiến đấu chung của hai nước, để cùng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đông Dương.
Những ngày ở Việt Bắc, Bác Hồ tiếp đón Hoàng thân như người bạn tâm đắc, lại cùng nằm chung trên sạp lán, cùng ăn chung cơm rau gian khổ ở chiến khu. Sau những lúc bàn bạc chuyện đánh Pháp, chống Mỹ giúp Lào trong công cuộc kháng chiến cứu nước, Bác Hồ và Hoàng thân lại cùng nhau đánh bóng chuyền, ngồi câu cá ven bờ suối hay cùng chân đất vác cuốc đi trồng rau, tăng gia sản xuất.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp (bên trái) tặng bức tranh cho Bảo tàng HCM.
Trong dịp gặp gỡ này, đã có những bức ảnh tư liệu ghi lại khoảnh khắc lịch sử giữa Bác Hồ và Hoàng thân. Một trong những bức ảnh đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông vào năm 1951 tại Việt Bắc và cũng xuất phát từ hình ảnh giản dị của Bác Hồ và Hoàng thân trong bức ảnh này, người họa sĩ đã vẽ bức “Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông”.
Bác là niềm kính yêu và cảm hứng bất tận
So với bức ảnh gốc, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp đã có nhiều sự sáng tạo và hư cấu. Không gian trong bức tranh nên thơ hơn rất nhiều. Phía bên phải bức tranh có ruộng bậc thang, là hình ảnh quen thuộc của vùng núi Tây Bắc, bên cạnh đó hoa chămpa là linh hồn, biểu tượng cho vẻ đẹp của đất nước Lào anh em, những chú chim bồ câu trắng trong tranh được lấy từ cảm hứng từ bài thơ “Sáng tháng 5” của nhà thơ Tố Hữu: “Con bồ câu trắng ngây thơ/Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn/Lát rồi, chim nhé, chim ăn/Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà”.
Bức tranh “Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông” với chất liệu sơn dầu, đã đạt 2 Giải thưởng Hồ Xuân Hương năm 2017 trong Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung; Giải thưởng về Học tập làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2012-2014); Giải thưởng trong triển lãm toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (2015).
Đai diện hai bảo tàng Việt Nam và Lào chụp ảnh lưu niệm.
Với họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp, bức tranh “Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông” không phải là bức tranh duy nhất ông vẽ về Bác Hồ trong sự nghiệp sáng tác của mình. Vị Cha già của dân tộc Việt Nam luôn là niềm kính yêu và cảm hứng bất tận đối với ông.
Tác giả của bức tranh “Bác Hồ với Hoàng thân Xuphanuvông” còn có các tác phẩm khác vẽ về Bác Hồ như “Bác Hồ về thăm quê”; “Niềm tin tất thắng”; “Thiên sử vàng”; “Hồ Chủ tịch và đồng bào các dân tộc”… Ngày 10/5/2019 vừa qua, tại buổi khai mạc trưng bày “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 - 2011) họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp đã trân trọng tặng bức tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ và bảo quản lâu dài.