Ảnh minh họa
Với nước ta, ANNL quốc gia là một trong những yếu tố nền tảng và quyết định sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước. Vì thế, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo “từ sớm, từ xa”, yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện. Đất nước đang CNH, HĐH, nhu cầu điện cho phát triển ngày càng lớn.
Tuy nhiên, việc cung ứng điện thời gian qua có lúc, có nơi còn bất cập, khó khăn do các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó đã để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023. Đó là thực tế vừa “đáng nhớ”, vừa là bài học trong quản trị, điều hành.
Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1412/CĐ-TTg ngày 25/12/2023 chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo.
Chỉ đạo của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố Kết luận thanh tra việc thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong đó có 9 vụ việc về điện được TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu phục vụ việc xem xét, điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Nhiều vụ việc rất khó hiểu, ví dụ Bộ Công Thương đã duyệt mua điện giá cao với một loạt dự án.
Việc Bộ Công Thương phê duyệt 123 dự án với tổng công suất gần 8.500MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020, được TTCP nhận định là nguyên nhân dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới điện, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành; dù Chính phủ luôn chỉ đạo sát sao, nhấn mạnh vấn đề “từ sớm, từ xa”; việc quy hoạch, quản lý quy hoạch từ đầu tư đến quản lý, vận hành phải có tầm nhìn, biết dự báo.
Để bảo đảm ANNL quốc gia, chắc chắn phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện; hoàn thiện các cơ chế, chính sách về mua bán điện... Đặc biệt là đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thường xuyên về quản lý, vận hành.
Thời gian qua, dư luận cũng phản ánh nhiều về một số bất thường trong mua bán điện tái tạo của các nhà đầu tư tư nhân. Do vậy, cần chủ động, tích cực, kịp thời xem xét việc mua bán điện tái tạo theo quy luật thị trường; vừa không để lãng phí nguồn lực xã hội, vừa góp phần tăng nguồn điện để cung ứng. Đồng thời cũng cần kiểm soát thật chặt chẽ, không để lợi ích nhóm hình thành trong tất cả các khâu quy hoạch, đầu tư, quản lý vận hành, mua bán điện.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus