Chuyện những người tình nguyện dấn thân vào “vùng nguy hiểm” - Kỳ 2: Trải nghiệm công việc hoàn toàn mới lạ với cảm xúc đặc biệt

09/04/2020 15:09

Kinhte&Xahoi Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, những tình nguyện viên này đã có dịp trải nghiệm công việc hoàn toàn mới lạ, không kém phần thú vị trong một hoàn cảnh đặc biệt. Và tất nhiên, mỗi khoảnh khắc trôi qua đã mang đến cảm xúc mạnh mẽ, trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình tuổi trẻ của họ.

Giúp ích cho xã hội thay vì ngồi nhà làm “anh hùng bàn phím”

Trong bài viết trước, hẳn chúng ta còn nhớ cô gái Phạm Thị Huệ (nick_name Mollypham), một hướng dẫn viên du lịch tự do, tình nguyện viên phiên dịch tiếng Hàn Quốc tại khu cách ly tập trung BV CATP. Huệ đã tình nguyện dấn thân với lý do thật vô cùng đơn giản: Em làm hướng dẫn viên tự do cho các công ty du lịch khác nhau. Đợt này du lịch “đóng băng” nên em khá nhàn, khi đọc thông báo của Sở Ngoại vụ nói rõ cần tìm phiên dịch cho các khu cách ly em đã lẳng lặng đăng ký trước rồi mới báo cho bố mẹ.

Đoàn Xuân Hiệp tham gia vì thấy nhiều người nước ngoài bất đồng ngôn ngữ nên vào để hỗ trợ mọi người cùng chống dịch. Ảnh nhân vật cung cấp 

Và khi vấp phải sự phản ứng của bố mẹ, Huệ đã trấn an mọi người, đồng thời bản thân luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo hộ. Với ý thức tuân thủ cao cùng niềm tin vững vàng nên sau thời gian thực hiện nhiệm vụ (từ ngày 16-3 đến 31-3), Huệ trở về nhà với kết quả xét nghiệm âm tính. Và em tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội.

Chia sẻ về mục đích tham gia tình nguyện lần này, cô gái SN 1990 bày tỏ: Em chỉ nghĩ đơn giản là mình có kiến thức, kỹ năng mà xã hội cần thì giúp đỡ. Giúp ích cho xã hội thay vì ngồi ở nhà làm “anh hùng bàn phím”.

Cảm nhận của Huệ trong quá trình làm tình nguyện ở khu cách ly là những người đầu tiên khi vào check in có tâm lý hoảng lạn vì phải cách ly, họ nghĩ là bị giam giữ. Nhưng sau đó được giải thích, chăm sóc, ở phòng khá tốt nên họ an tâm.

“Bản thân những người Hàn Quốc trong khu cách ly này cũng lên án những người đồng hương trong vụ phản đối cách ly ở Đà Nẵng. Có vài trường hợp mới đầu không quen nhưng sau một thời gian ở đây còn để lại thư cảm ơn khi đã hết thời gian cách ly”-Huệ nói.

Và kết quả này cũng là niềm vui của những tình nguyện viên khi đã góp phần hỗ trợ về ngôn ngữ, giải thích cho người nước ngoài hiểu chính sách của Việt Nam.

Đối với chàng trai Đoàn Xuân Hiệp thì tình huống khiến em ấn tượng sâu sắc là câu chuyện một nữ Việt kiều trở về từ Mỹ. “Dù 60 tuổi nhưng cô ấy không nói được tiếng Việt. Cô ấy về Việt Nam ngày 18-3 với mục đích thăm bố bị ung thư phổi giai đoạn cuối sắp mất ở Huế”.

Thời gian đó, chính sách của Việt Nam thực hiện cách ly 14 ngày với người từ một số nước từ vùng dịch nên cô ấy đương nhiên không thể bay vào Huế được. “Chúng em cũng nói chuyện và cô ấy hiểu. Khoảng 1-2 ngày sau bố cô ấy mất cô ấy buồn. Mọi người cũng an ủi, chia sẻ thì cô ấy cho biết không phàn nàn về chính sách của Việt Nam và tâm trạng cũng tốt hơn”.

Trở thành “tuyên truyền viên” tích cực

Trong câu chuyện của Đoàn Thị Phương Anh kể về những ngày trong khu cách ly tại Trường Quân sự Sơn Tây có nhiều chi tiết thực sự ấn tượng và cảm động.

Thời điểm Phương Anh vào nhận nhiệm vụ cũng là lúc ở khu cách ly có một số người nước ngoài, trong đó có 4 người đến từ châu Âu. Có 1 người Anh khi tới có biểu hiện không bình thường vì không được giải thích đầy đủ bằng ngôn ngữ của họ nên đã có hành động cực đoan, không hợp tác. Người này đã lên lan can tầng 3 và cố tình nhoài xuống khiến nhiều người lo lắng.

“Sau đấy em giải thích cho họ đây là quy định của Việt Nam. Bất kỳ ai ở vùng dịch khi vào Việt Nam thì cách ly 14 ngày. Em đã so sánh tình hình dịch ở phương Tây với Việt Nam và nói rằng Việt Nam giữ được con số vì quyết sách cách ly với người nước ngoài nên đã khống chế được số lây lan. Việt Nam cách ly cũng là để phòng dịch cho cộng đồng. Sau khi được giải thích thì người này cũng hiểu, đã thôi các hành động đó và hợp tác vui vẻ”, Phương Anh chia sẻ.

Trong quãng thời gian ở doanh trại, điều khiến nữ tình nguyện viên SN 1989 thấy vui chính là bút tích của những hành khách bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Việt Nam.

Phương Anh đã dịch lá thư của một người có tên là Pauet, quốc tịch Ba Lan và Anh, sống tại đảo Jersey và cho rằng đây là “một người bạn ngoại quốc rất đáng yêu”. Lá thư viết: “Đây là lần thứ tư tôi tới Việt Nam và tôi rất ấn tượng với cách chính phủ Việt Nam đối mặt với dịch bệnh. Chân thành cảm ơn từng người trong các bạn vì đã chăm sóc chúng tôi.

Những người lính, các nhân viên y tế, và cả bác tài chuyên chở tôi. Tôi được cung cấp tất cả mọi thứ mình cần, từ đồ ăn thức uống, chăn mà chiếu gối... đến những nụ cười thân thiện trấn an chúng tôi. Các bạn thật sự có thể tự hào vì cách đất nước các bạn đã đối phó khủng hoảng, mặc cho nguồn tài nguyên còn hạn chế… Tôi yêu tất cả các bạn, yêu con người Việt Nam vì bản thân các bạn”.

Hay như nhật ký của chàng trai có tên Gavin Wheeldon, đến Việt Nam từ Anh cũng khiến mọi người hiểu hơn về chính sách của Việt Nam cũng như những gì người cách ly được hưởng.

Khi ở đây, đọc được những dòng nhật ký, những bút tích này, Phương Anh cảm thấy rất vui vì những người bạn ngoại quốc đã thấu hiểu, tuân thủ các quy định của Việt Nam. Đối với em, lý do để em xung phong tình nguyện cũng vô cùng đơn giản: Em nghĩ mình có thể làm được đến đâu thì làm đến đấy chứ không suy nghĩ to tát là bảo vệ xã hội. Em muốn dịch bệnh sớm kết thúc để bảo vệ người thân của em. Xã hội bình ổn thì cuộc sống người thân càng an toàn.

Và với quan niệm ấy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, mang trong mình ý thức trách nhiệm với cộng đồng, Phương Anh tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà. Không những thế, trên trang cá nhân của mình, em lại tiếp tục tuyên truyền, chuyển tải những thông điệp phòng dịch để mọi người cùng thực hiện: “Đừng nói chán, dịch bệnh ai cũng chán, không ai vui cả… Những người dương tính trên thế giới ban đầu họ cũng đâu nghĩ họ dương tính, thế nên mới đi lung tung lây bệnh khắp nơi… Không có gì đáng sợ hơn đối với mình, là việc mình bởi vì bất cẩn, chủ quan mà liên lụy người khác… Chưa bao giờ thể hiện lòng yêu nước lại dễ dàng đến thế. Đi ngủ, là yêu nước”.

Còn Hiệp, thời điểm thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly cũng không quên gửi thông điệp tới mọi người: “Hãy ở yên một chỗ, cách ly xã hội; chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết; thực hiện đeo khẩu trang khi ra ngoài; rửa tay thường xuyên, không tụ tập đông người”.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nghịch lý từ suất ăn thiện tâm thời Covid-19: Giàu hóa nghèo, nghèo hóa ra lại... 'giàu'?

Trong những ngày giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, người ta có niềm tin ở sự tử tế, với những điểm phát suất ăn, nhu yếu phẩm miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Vậy nhưng, việc làm tử tế đó lại bị đáp lại bằng không ít sự xấu xí, của những người không nghèo khó nhưng vẫn sẵn sàng "xí chỗ, tranh phần" của người nghèo. Vậy là hóa ra: Người giàu mà vẫn "nghèo" nhân cách, người nghèo mà "giàu" nhân cách, là chuyện có thật!

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/chuyen-nhung-nguoi-tinh-nguyen-dan-than-vao-vung-nguy-hiem-ky-2-trai-nghiem-cong-viec-hoan-toan-moi-la-voi-cam-xuc-dac-biet-187820.html