Chuyện quốc gia đại sự, nghe mà không thể hiểu

24/07/2019 15:18

Kinhte&Xahoi Báo chí hôm nay lại nóng lên câu chuyện vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Chuyện lớn mà không thấy lớn

Báo chí hôm nay lại nóng lên câu chuyện vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuyến đường này được xác định là công trình giao thông trọng điểm của Quốc gia. Tuy nhiên, do chủ đầu tư cũ bị vướng vào vòng lao lý nên công trình bị gián đoạn, không được tiếp tục thực hiện trong một thời gian dài.

Một góc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong thời gian đó, các cơ quan chức năng của Chính phủ đã bị cử tri chất vấn nhiều lần về dự án. Có lần sức nóng của nó đã lan đến nghị trường Quốc hội nhưng chưa có phương án giải quyết. Gần đây, trước sức ép mạnh từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, Chính phủ đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt để dự án được khởi động lại.

Do quyết tâm cao từ Quốc hội, Chính phủ, các nhà đầu tư có “máu mặt “ đã được “triều đình “ điểm danh và mời thực hiện “ giải cứu “ dự án.

Với tiềm lực cùng kinh nghiệm điều hành quản lý dự án, đã giải quyết các vướng mắc từ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, với đội ngũ nhân sự có trình độ kỹ thuật, cộng với quyết tâm, trách nhiệm lớn khi đảm nhiệm công trình trọng điểm quốc gia, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã vào cuộc quyết liệt, dự án nói trên được khởi động trở lại từ tháng đầu 3/2019 (sau gần 10 năm đình trệ).

Để tiến hành khởi động lại và triển khai tốt chủ trương của Chính phủ, Doanh nghiệp dự án đã tiến hành cả “núi” công việc, làm các thủ tục thay đổi Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, loại bỏ Nhà đầu tư năng lực yếu kém, giải quyết tồn đọng về thuế, tranh chấp Nhà thầu, … những vướng mắc phức tạp do Nhà đầu tư cũ để lại đã dần được tháo gỡ khi các cơ quan chức năng như: Công an, Thanh Tra, Kiểm toán Nhà nước, Cục Thuế TP HCM, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã vào cuộc.

Khi xây dựng kế hoạch mới, kết nối các bên liên quan để triển khai tiếp dự án, đã gặp không ít trở ngại khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài “Giữa Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư chưa tìm được tiếng nói chung ở giai đoạn đầu thì nay đã được tháo gỡ.

Dự án cao tốc Trung Lương  - Mỹ Thuận đã giải phóng mặt bằng và bàn giao được 50,68 km trong tổng chiều dài tuyến đường hơn 51 km, đạt trên 98,84%.

Chỉ hơn 3 tháng qua, Nhà đầu tư thay thế như đã bước vào một trận chiến đấu mới: không khí sôi động trong lao động từ bàn giấy cho đến công trường đâu đâu cũng náo nức, khẩn trương. Từ người lãnh đạo, điều hành cao nhất của chủ đầu tư cho đến người thợ của các nhà thầu, ai ai cũng nỗ lực cố gắng vì lời hứa đúng hẹn trước công luận, cam kết với Chính phủ. Động lực đó đã làm cho.
 
Khối lượng thực hiện của dự án tăng lên từng ngày tạo niềm tin cho người dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Ai đến tham quan, thị sát hiện trường công trình đang xây dựng, nhìn cách tổ chức khu điều hành chuyên nghiệp và quản lý chất lượng, tiến độ công trình chặt chẽ, đều tự hào về tầm vóc của Doanh nghiệp Việt Nam. Môi trường làm việc chuyên nghiệp đã động viên khích lệ chủ đầu tư và các nhà thầu, tạo sự phấn khởi cho hàng ngàn lao động đang ngày đêm hăng say làm việc trên toàn tuyến. Với diễn biến ban đầu của dự án được khởi động lại, các ngành, các cấp và nhân dân đều tin tưởng cuối năm 2020 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được thông tuyến.

Niềm tin thông tuyến vào cuối năm 2020 là có cơ sở. Ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của nhà đầu tư, thì trách nhiệm của các bên liên quan đã được thông suốt, các tồn đọng vướng mắc dường như đã được giải quyết. Thông về trách nhiệm là yếu tố thuận lợi, quyết định sự đúng hẹn của công trình. Thế nhưng hôm nay báo chí đăng thông tin nhà thầu của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận căng băng rôn biểu ngữ để đòi nợ. Thông tin trên đã làm cho công chúng ngỡ ngàng. Nhiều người tâm huyết theo dõi, mong muốn các dự án trọng điểm quốc gia được sớm về đích tỏ ra thất vọng và không thể hiểu được tại sao phần vốn nhà nước tham gia lại chưa được đảm bảo cho công trình.

Chuyện không thể hiểu

Nguyên nhân nào để phần vốn nhà nước chưa được đảm bảo cho công trình, trong khi Quốc hội, Chính phủ sốt sắng, rốt ráo vào cuộc nhằm mục đích cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến vào cuối năm 2020. Công trình còn có ý nghĩa chào mừng Đại hội 13 của Đảng và nhiều sự kiện trọng đại của đất nước? Không thể hiểu ở đây là rất khó nhận định đúng về nguyên nhân tắc nghẽn nguồn vốn nhà nước tham gia đầu tư cho dự án. Tuy nhiên vẫn phải nói rằng, phần vốn nhà nước chưa giải ngân được cho dự án là do cơ quan chức năng của nhà nước. Trong khi chủ đầu tư đã dốc cạn phần vốn sở hữu, nếu phần vốn nhà nước không được bảo đảm, vốn tín dụng theo đó cũng không thể tiến hành các thủ tục cho vay thì dự án lại một lần nữa phải dừng lại, đẩy nhà đầu tư từ chỗ có tiềm lực đến hết tiềm lực, đẩy họ lâm vào nhiều khó khăn kéo theo khi họ phải chôn vào đây một lượng vốn lớn.

Rõ ràng ở đây đang tồn tại một nghịch lý là, công trình trọng điểm quốc gia, nhưng trách nhiệm của cơ quan chức năng của nhà nước lại có vấn đề với tính chất trọng điểm này. Lẽ ra quyết tâm trách nhiệm cao để hoàn thành các công trình trọng điểm của nhà nước trước hết phải từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thế nhưng, trên thực tế các văn bản liên quan đến dự án của Quốc Hội, Chính phủ, các Bộ Ngành, địa phương ... đan xen nhau, cái thường gọi là quy trình giải ngân đã “vô tình” làm cho các hoạt động của dự án bị đình trệ. Câu chuyện dừng giải ngân, thu hồi vốn thu hồi vốn vẫn là chuyện thường do thủ tục “ hành là chính” mà không có cơ quan công quyền nào chịu nhận trách nhiệm. Trong trường hợp cụ thể này, có khả năng quả bóng trách nhiệm lại được đá sang phía Nhà đầu tư hoặc Nhà thầu.

Chuyện đổ bể, phá sản của nhiều doanh nghiệp tư nhân khi đợi vốn của nhà nước giải ngân trong thời gian dài, hoặc thiếu vốn không bảo đảm hoàn thành công trình, hoặc nhà nước nợ doanh nghiệp quá hạn... ở Việt Nam không phải là cá biệt. Có khi hăng hái nhận nhiệm vụ quan trọng của nhà nước giao lại là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn ?

Niềm tin ban đầu của nhà đầu tư dường như là tuyệt đối khi Chính phủ xác định dự án nói trên là dự án trọng điểm quốc gia. Các nguồn vốn đều được xác định rõ ràng từ người đứng đầu cao nhất của Chính phủ. Đồng thời Chủ đầu tư có đầy đủ điều kiện để thực hiện dự án đạt các mục tiêu đề ra. Thế nhưng đến nay, dấu hiệu cho thấy chuyện quốc gia đại sự vẫn là chuyện nhỏ trong tư tưởng và trách nhiệm của các bên liên quan…


Trường hợp dự án trọng điểm quốc gia nói trên bị dừng thi công, ai phải chịu trách nhiệm, ai là người lỗi hẹn với Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cần phải được làm rõ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus