Cô gái giang hồ kéo ông “trùm” đất mỏ từ bỏ “mộng bá vương”

29/08/2019 10:20

Kinhte&Xahoi Giới dân chơi giang hồ đất mỏ đã từng gọi nó với cái biệt danh “thiếu gia” mĩ miều. Lúc đó gia đình nó đang ở đỉnh cao thịnh vượng, vừa có tiền, vừa có quyền tại mảnh đất vàng đen.

Nhưng tới giờ cái thời ấy đã qua, tất cả gia sản cùng danh tiếng của gia đình được nó đem đốt hết để thể hiện phẩm chất từ hai chữ “thiếu gia” phù phiếm. Khi tất cả trở về vạch xuất phát, thiếu gia đất mỏ mới bàng hoàng tỉnh ngộ. May mắn bên chàng thiếu gia vẫn còn duy nhất một người dám chấp nhận chờ đợi hy sinh, kéo nó ra khỏi cơn bão đời.

Hình minh họa.

Thiếu gia xây mộng “bá vương”

Đầu tiên để làm được thì tất cả phải quy về một mối. Bắt đầu từ khu vực lân cận, Tuấn chỉ đạo đàn em dằn mặt, đập phá, đe dọa những nhà thu mua than nhỏ lẻ xung quanh, ép dẫn hết về bãi của Tuấn, chỉ chỗ Tuấn mới được đặc quyền thu mua.

Những gia đình nào không nghe lời, cố tình chống đối, Tuấn sẵn sàng chỉ đạo đám đàn em phá phách, đánh đập, đe dọa bằng đủ loại hình thức để khuất phục họ. Với những thằng giang hồ ngang ngược bất tuân, Tuấn sai lũ nghiện hàng ngày tới đe dọa vợ con, bố mẹ. Nếu còn cố tình chống đối sẽ phải lĩnh những hậu quả không thể lường trước.

Ngay cả đám lao động nghèo hàng ngày đi nhặt mót than trong khu vực đó, cuối buổi phải về chấp nhận bán lại cho bãi của Tuấn với giá rẻ, nếu bán qua chỗ khác sẽ bị đánh đập và cướp hết. Với cách làm manh động, liều lĩnh không ngại va chạm, dựa vào thế lực ngầm của ông chú, chẳng mấy chốc băng nhóm của Tuấn “thiếu gia” nhanh chóng thâu tóm toàn khu vực.

Không dừng ở đó, Tuấn bắt đầu dựa vào mối quan hệ từ gia đình để móc nối với các xí nghiệp than gần đó để lấy trộm than. Đạt được thỏa thuận, hàng ngày những chiếc xe chở xít phế thải phải từ than đổ ra bãi thải chạy luôn vào bãi của Tuấn đổ. Lớp xít mỏng bên trên che đậy toàn bộ số than cục có giá trị cao bên dưới. Nhận tiền theo thỏa thuận xong rồi đi. Rất nhiều hình thức bòn rút than được ông chú chỉ bảo, truyền dạy kinh nghiệm được Tuấn mang ra áp dụng hết.

Từ cách “cắt ben”, tức là xe chở than đóng nắp sau rồi đổ đầy than, cắt ben là khi than đổ đầy xe đi, mở nắp sau cho than rơi xuống, phần rơi xuống được gọi là cắt ben cho tới lấy loại than giá trị cao trên xe rồi tráo loại than kém chất lượng hơn. Đủ loại mánh lới chiêu trò để trộm cắp than.

Không dừng ở đó, Tuấn còn chỉ đạo đàn em đóng than tổ ong bán lại cho dân sử dụng và nhảy sang cả rút ruột dầu xe chở than. Tất cả những số than kiếm được trong ngày từ bãi, cuối buổi đều được đưa về điểm tập kết than của ông chú quy ra tiền. Số tiền kiếm được từ bãi than thổ phỉ chỉ một phần được Tuấn giữ lại làm vốn thu mua hàng ngày.

Số còn lại lời lãi kiếm được Tuấn thoáng tay cho đàn em và khao quân chơi bời hàng ngày. Chỉ đạo công việc từ xa qua điện thoại, đêm xuống Tuấn “thiếu gia” cùng đàn em thân cận lên bar, vừa muốn phô trương thanh thế với những băng nhóm khác trong lãnh địa vàng đen, nuôi một tham vọng lớn hơn. Việc làm ăn phất lên như diều gặp gió của băng nhóm Tuấn “thiếu gia” kéo theo lợi nhuận của băng nhóm khác bị giảm xuống. Bởi vậy mà từ đây phát sinh ra những mâu thuẫn vì bát cơm manh áo.

Cái luật riêng của đám thổ phỉ vốn là “cá lớn nuốt cá bé, thắng làm vua, thua làm giặc” bởi vậy dù có yếu thế hơn nhưng vì lợi nhuận chúng chả để yên. Từ đó một loạt hành động trả đũa, chơi đểu đáp lại đám đàn em của Tuấn. Mọi di chuyển và công việc của Tuấn luôn được chú ý theo dõi sát sao, luôn có những đối tượng lạ mặt rình rập chỉ chờTuấn sơ hở.“Đất có thổ công,sông có hà bá”, dù chú Tuấn có địa vị cao trong thế giới ngầm của đám thổ phỉ nhưng cũng không thể một tay che trời.

Mỗi khu vực, mỗi mảng làm than đều có những ông trùm, đại gia than cai quản theo cách thức khác nhau. Người khai thác lộ thiên, người thu mua, người làm than trôi, người làm bãi thải, người làm cảng,... Mỗi đám thổ phỉ đều có những cách thức hoạt động, làm ăn sinh lời trong lãnh địa được ngầm phân chia sau những trận đọ súng, huyết chiến.

Bởi thế mà dù làm ăn thế nào cũng chỉ trong giới hạn đã được phân chia, kiêng lấn sang công việc hay địa bàn của băng nhóm khác. Vì như thế coi như là “đạp đổ bát cơm” của người khác và lúc đó chỉ có dùng máu mới có thể giải quyết được. Nhưng với con “ngựa non háu đá” như Tuấn, đang đà phất lên, cứ thấy lợi nhuận là tiến. Bởi vậy động chạm tới rất nhiều “bát cơm”của ông trùm khác.

Vì vậy, liên tiếp những vụ tranh chấp địa bàn thanh toán lẫn nhau nổ ra giữa băng nhóm Tuấn và các băng nhóm khác. Những đối tượng xăm trổ, cô hồn dàn hàng tay lăm lăm đao kiếm, dùng cả hàng nóng săn đuổi lẫn nhau dẫn tới thương vong cho nhiều băng nhóm. Mảnh đất vốn chẳng phút yên bình giờ lại càng giông bão bởi những âm mưu tranh chấp thôn tính.

Vào thời điểm này, đám giang hồ các tỉnh kéo nhau tụ tập về đất mỏ theo những lời mời của đàn anh giang hồ. Chúng quen nhau trong tù, tìm đến nhau khi có công việc cần dùng tới, bên vì công việc, kẻ vì lợi nhuận, vì chơi bời. Toan tính phát triển băng nhóm, Tuấn “thiếu gia” liên tiếp tung tiền cho đám đàn em từng ra tù vào tội đón chiến hữu của chúng từ Hải Phòng, Nam Định,Thái Bình về bãi để thực hiện mưu đồ tranh giành địa bàn, triệt hạ những băng nhóm ngáng đường mình.

Thời điểm nóng, cảm thấy luôn có những mối nguy hiểm rình rập nên đi đâu Tuấn cũng mang theo vài tên đàn em sát sườn để bảo vệ. Trong người luôn cất giấu hàng nóng để phòng thân. Khi băng nhóm càng lớn mạnh, Tuấn bắt đầu lên danh sách các tay trùm có số má, có máu mặt trong giới than thổ phỉ cho đàn em theo dõi đường đi nước bước để lập kế “bóc số” nhằm mục đích cướp lấy những nguồn hàng cũng như lãnh địa của họ về cho mình, mưu đồ bá vương vùng đất vàng đen này.

Dù đã nảy sinh những suy nghĩ toan tính cho tương lai trong con người Tuấn nhưng cũng chẳng thể bước qua sở thích chơi bời ngông cuồng của tuổi trẻ. Tuấn dùng tiền tận dụng nhược điểm,sở thích của người khác để mua lấy đàn em, Tuấn luôn cưng chiều hết mực, thích chơi gì có nấy những đứa nghiện ngập luôn được cung cấp đầy đủ hàng sử dụng. Có những tối vào bar, Tuấn “thiếu gia” vung tiền bao cả sàn, làm chỗ độc chiếm cho mình và đàn em sử dụng thuốc lắc.

Nghe tiếng Tuấn “thiếu gia” ở bar nào là đám gái bay, gái nhảy lại rủ nhau tụ tập về đó thuốc chơi miễn phí lại còn có quà, chúng đều vui vẻ hào hứng với phong cách chịu bo, chi của chàng “thiếu gia”. Kết thúc mỗi cuộc bay lắc, lại có một em được đám đàn em tuyển chọn kĩ càng đưa về khách sạn phục vụ Tuấn. Trong mắt thiếu gia, đám đàn bà như một món đồ chơi, mỗi đêm một đứa và tất cả họ đều phục tùng nó một cách sợ sệt, lo lắng bởi chúng sợ cái vẻ lạnh giá trên khuôn mặt Tuấn.

Nó chưa qua đêm với bất kì ả đàn bà nào tới lần thứ hai. Cho tới một ngày trong một buổi tiếp khách Tuấn gặp Linh “gấu”. Một con gái bar lì lợm mới theo bạn về mảnh đất vàng đen này mưu sinh. Dù với Tuấn, Linh cũng chỉ như là những ả đàn bà khác, như một món đồ chơi. Nhưng ở món đồ chơi này ẩn chứa sự ngang tàng như một con ngựa hoang bất tuân lệnh. Và Tuấn “thiếu gia”thích cái tính cách không chịu khuất phục bất cứ ai của nó.

Gái giang hồ “bắt đại bàng” lấy số

Hoàng N.T còn có tên gọi khác là Linh “gấu” hơn Tuấn 2 tuổi, nhà nằm trong khu tập thể cũ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Được sinh ra trong gia đình có ba anh em, Linh là con thứ hai. Nhà nghèo bởi bố nghiện, mẹ tù, anh trai buôn bán ma túy nên cũng nhập kho nốt. Tuổi thơ Linh không được đi học, bước chân ra đời từ bé bởi cuộc sống mưu sinh. Từ nhỏ, lúc bố đi tù, Linh theo mẹ ra chợ ngồi rửa bát, bưng bê cho mẹ bán đồ ăn sáng kiếm tiền nuôi cả gia đình.


Lúc vừa biết nhận thức, bố ra tù thì lại đến lượt mẹ bị bắt vô trại giam vì buôn bán ma túy. Sống cùng ông bố nghiện ngập, ba anh em nó quay quắt đủ cách mà vẫn không đủ no bụng ấm thân. Rồi tới anh trai theo con đường của mẹ, lao vào vừa bán lẻ ma túy, vừa sử dụng kiếm tiền nuôi các em để rồi cuối cùng chỉ còn lại hai chị em nó nương tựa vào nhau sinh tồn.


Cuộc sống với Linh từ bé đến lúc biết nhận thức dù ở gia đình nhưng chẳng nhận được sự bảo ban, dạy dỗ. Mọi thứ đều được trải nghiệm từ trường đời, từ những va vấp mưu sinh mà lớn lên. Ngay từ nhỏ đã chợ búa với mẹ, nó đã tụ tập cùng đám thanh niên trong ngõ lang thang, quậy phá, bởi thế cái gì cũng biết, thói xấu gì cũng hay.


Linh lớn lên lay lắt, hoang dại như cái cây ngọn cỏ. Hưởng nét đẹp từ mẹ, 14 tuổi Linh lớn phổng phao như một thiếu nữ 17 trăng tròn, người cao, dáng chuẩn, khuôn mặt thanh tú đáng yêu. Trải đời sớm nên dù là con gái nhưng cái gì nó cũng tham gia cùng đám thanh niên bụi đời trong ngõ, từ đánh nhau, trấn lột, đua xe đủ cả, chẳng ngán thứ gì. Tới tuổi biết yêu thì nó cũng lao vào yêu cuồng, sống vội như lối sống của đám dân chơi, bụi đời cùng ngõ.

Ngày đó, đám thanh niên mới lớn có trào lưu mỗi tối lại lên hồ tụ tập đua xe, nhiều nhóm tụ lại thành đoàn cùng nhau tạo thành “bão đêm”. Hàng đêm, lên hồ nhập bọn với đám “dân tổ” thích cảm giác mạnh, Linh hiến đời con gái cho một thằng“dân tổ lái” có tiếng thời đó. Chúng biết nhau hai ngày, chạy đua cùng một xe rồi vào nhà nghỉ, yêu tiếp hai tuần rồi đường ai nấy đi.

Thích thì yêu, chán thì chia tay chẳng chút luyến lưu. Từ ngày nếm trải mùi đời, nhận biết được giá trị của sắc đẹp mà mình có, Linh bắt đầu bỏ nhà đi đêm biền biệt, sống tụ tập bầy đàn theo trào lưu cùng đám “dân tổ” nghiện ngập. Và với tất cả mọi người chẳng bao giờ nó xưng tên thật, cho mọi người gọi nó là Linh. Với Linh, tổ ấm gia đình không có kỷ niệm đáng nhớ gắn trong ký ức, có chăng chỉ toàn hình ảnh bố nghiện ngập lúc phê pha, lúc vật vã, đánh mẹ, chửi con.

Trong căn nhà tập thể rêu cũ chỉ hơn 30m2 ấy, từ ngày bố ra tù, hàng ngày chỉ ngồi phê pha với “nàng tiên trắng” của ông. Và để có tiền chơi, bố nó dùng luôn căn nhà làm địa điểm tụ tập bán lẻ ma túy cho các con nghiện cùng ngõ. Bởi vậy, chỉ khi đứa em ôm bụng đói đi tìm thì Linh mới bước chân về đó, dùng tiền kiếm được từ chơi bời mua đồ ăn cho em rồi lại bỏ đi.

Nhưng tưởng nhìn cái cảnh bố và anh cùng nghiện, mẹ thì vì cái thứ chết trắng đó sẽ khiến cho tâm trí nó thù ghét mà tránh xa. Nhưng không, từ cuộc sống tụ tập bầy đàn cùng đám bụi đời, Linh cũng bập bẹ dính vào Heroin lúc nào không hay. Để rồi cũng chính từ cái chết trắng đã nhấn chìm gia đình nó lại một lần nữa đẩy nó sa chân vào bùn nhơ.

Sau một cuộc bão đêm, cả nhóm bụi đời dừng chân tại một nhà nghỉ nằm trên đường Giải Phóng, đoạn gần bến xe Giáp Bát để tụ tập chơi ma túy. Khi cả nhóm đang trong cơn phê, công an ập tới tóm trọn ổ đưa về phường sở tại. Nhóm thanh niên sống như bầy người nguyên thủy tan rã, đứa vào tù, đứa đi giáo dưỡng, đứa đi cai nghiện bắt buộc. Linh với một loạt hồ sơ, thành tích phá phách, bất hảo tại phường cộng lại được chuyển thẳng tới cơ sở phục hồi nhân phẩm trong 2 năm.

Một cô bé vốn không có sự dạy dỗ bởi số phận khắc nghiệt dành cho, sống như ngọn cỏ hoang, giờ được nhốt chung với những bản lỗi nhân cách của xã hội khiến Linh chẳng những không thay đổi được nhân cách mà ngày càng ngang tàng bướng bỉnh. Cũng tại đây Linh du nhập thêm vào mình đủ loại thói xấu, lưu manh, mất dạy. Cho tới ngày phải bước chân vào trại phục hồi nhân phẩm, Linh cũng đã gần chục năm lang thang, vạ vật màn trời chiếu đất ngoài xã hội.

Nó lớn lên, nhận thức được nhờ những va vấp, trải nghiệm từ cuộc sống đem lại, cộng thêm trải nghiệm từ gia đình toàn người nghiện ngập, tù lao. Bởi vậy ở môi trường mới này, Linh đã từng được nghe kể qua và với nó chẳng ngán thứ gì. Cũng giống như một trường giáo dưỡng dành cho đám trẻ vị thành niên hư hỏng, cơ sở phục hồi nhân phẩm mô hình quản lý vẫn như vậy, nhưng nơi đây chỉ dành riêng cho nữ giới. Đặt chân vào nơi giáo dục toàn thành phần hư hỏng, nhân phẩm lỗi cần được phục hồi, đủ loại đàn chị, gấu mèo, đĩ điếm, nghiện ngập nhưng với Linh chỉ là chuyện vặt.

Theo những điều từng được nghe mẹ nó kể lúc ở tù, vào đây để không bị bắt nạt thì phải biết chiến đấu, đánh nhau, dám nghĩ dám làm. Như thế mới tạo cho bản thân một chỗ đứng trong cái chỗ chật hẹp này. Hiểu đơn giản theo câu chuyện từ cuộc sống tù đày của mẹ, vào buồng nhốt chung, Linh tìm đứa đàn chị gấu nhất trong buồng để gây sự đánh nhau với mục đích soán ngôi, tạo dựng chỗ đứng cho mình mà theo giọng nói giang hồ của Linh gọi là “bắt đại bàng”.

“Chân ướt chân ráo” bước vào buồng nhốt chung, tuổi trẻ ngông cuồng, bản tính lì lợm háo thắng có chủ đích dẫn tới cuộc xô xát. Thân cô, thế cô, Linh bị cả nhóm trong buồng nhốt chung đánh hội đồng cho bầm giập, tím tái. Nhưng cái mục đích ban đầu của Linh cũng thực hiện thành công. “Con đại bàng” cần bắt của buồng bị Linh bẻ đũa lao lên đâm trúng hai nhát vào tay và đùi đổ máu.

Lần đó, Linh bị đưa đi nhốt cách ly riêng và cũng may mắn là hai nhát đâm của nó không vào chỗ nguy hiểm, chưa đủ phần trăm thương tích để có thể truy tố trước pháp luật. Chấp nhận “bật buồng” ăn trận đòn hội đồng để “bắt đại bàng” của cơ sở phục hồi nhân phẩm, vụ việc của Linh xôn xao cả trường. Và qua những tin đồn, dư luận của đám học viên tại đây, Linh mang biệt danh mới là Linh “gấu”.

Từ đó, đám học viên nhìn Linh có phần nể sợ, ái ngại bởi sự liều lĩnh, lì lợm của nó. Sau những ngày bị nhốt cách ly, Linh được đưa trở về buồng chung, từ đó Linh trở thành “đàn chị” trong buồng dù tuổi còn rất trẻ. Theo cái lệ mà đám học viên ngầm hiểu với nhau để tồn tại trong môi trường này, là “đàn chị”, nó được cơm bưng, nước rót, những đứa khác đi gặp về đều phải mang quà cáp, đồ ăn lên cung phụng cho nó. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nét đẹp văn hóa ứng xử đang dần biến mất

Văn hóa ứng xử từ lâu đã trở thành một nền tảng phát triển của xã hội loài người. Trong cuộc sống, con người luôn phải giao tiếp, trao đổi với nhau, có sự giao lưu, làm thế nào để việc giao tiếp cũng như giao lưu của con người trở nên có giá trị, mang tính nhân văn và tôn trọng lẫn nhau chính là cách ứng xử của từng người. Tuy nhiên, không hẳn lúc nào con người cũng ứng xử có văn hóa với nhau.

Nguồn: Pháp luật Plus