Có “nghề ký” nữa hay sao?

09/05/2020 09:48

Kinhte&Xahoi “Chữ ký của tôi chỉ mang tính hình thức để hoàn thiện hồ sơ” - câu phân trần của bị cáo Văn Hữu Chiến tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ, dù tôi không bị bất ngờ...

Ông Chiến bị khởi tố về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) và Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai (Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015) liên quan đến vụ án Vũ nhôm.

Trước phiên tòa lần này, ông Chiến kêu oan, cho rằng cần phải xác định vai trò của ông trong việc bán các nhà, đất công sản về dự án mà ông bị quy kết làm trái pháp luật. Xin không nói sâu về những nội dung này, chỉ chú ý đến chi tiết, chữ ký của ông Chiến thời điểm đó là chữ ký của một Phó Chủ tịch UBND.

Do vậy, theo cựu lãnh đạo Đà Nẵng, việc bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất đều do Chủ tịch quyết và khẳng định bản thân “không có vai trò quyết định”. Khi chủ tọa phiên tòa vặn hỏi “bị cáo thấy văn bản không đúng pháp luật thì có quyền không ký”, nhưng ông Văn Hữu Chiến nói rằng mình “không có cơ hội xem xét”.

Ông này cho rằng, việc quyết định đã được Chủ tịch tỉnh đồng ý, văn bản chuyển qua cơ quan tham mưu và ông không được tiếp cận.

“Trong phân công rõ ràng, Phó Chủ tịch được quyền thay mặt Chủ tịch giải quyết trừ những việc Chủ tịch trực tiếp giải quyết, như việc bán nhà Chủ tịch giải quyết. Tôi chỉ ký các văn bản do cấp dưới trình lên, mang tính thủ tục, hoàn toàn không chỉ đạo, không bút phê vào hồ sơ, đơn thư nào để chỉ đạo.” - lời ông Chiến tại phiên tòa.

Những chữ ký mang tính “thủ tục” như cựu lãnh đạo Đà Nẵng vừa nói, có lẽ cũng không hiếm trong thực tế. Thế nhưng, hãy đặt lại vấn đề: Liệu không có những chữ ký đó, thì hồ sơ có hoàn thiện hay không? Nếu không có “chữ ký thủ tục” đó thì sai phạm, thất thoát liệu có diễn ra?

Dân gian có câu “bút sa gà chết”. Song, một vị Phó Chủ tịch trước lúc ký lại nói rằng không có điều kiện để xem xét vấn đề và cho rằng, việc ký chỉ mang tính hình thức vì Chủ tịch đã quyết, vậy có phải chữ ký, chức danh Phó Chủ tịch chỉ là “bù nhìn” hay sao?

Điều này có khác gì được giao một thanh kiếm nhưng không biết cách sử dụng, chắc chắn sẽ có lúc gây hại cho người khác và cho chính bản thân mình.

Từ chức vụ Phó Chủ tịch, sau này ông Chiến đã được thăng chức lên Chủ tịch TP Đà Nẵng. Trước đó, ông này còn là Trưởng Ban Quản lý dự án, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính… Thiết nghĩ, kinh qua nhiều chức danh như vậy, không lý gì ông Chiến không hiểu được “sức nặng” của chữ ký và sự sắc bén của thanh kiếm mà mình được giao.

Chỉ là, vì sao biết sai mà vẫn làm mà thôi!

Viện Kiểm sát (VKS) sau đó đã đề nghị bác kháng cáo, kêu oan của ông Văn Hữu Chiến. Theo đại diện VKS, bị cáo Chiến liên quan đến các sai phạm tại 19 nhà đất công sản, hậu quả thiệt hại hơn 2 nghìn tỷ đồng. Hành vi phạm tội của của bị cáo Chiến bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù là có căn cứ, không oan.

Thiết nghĩ, đó cũng là bài học cho nhiều cán bộ, lãnh đạo khác, nhất là những cấp phó. Vì dù có viện giải “không có thực quyền” thì một người mà Nhà nước, Nhân dân trả lương, bầu lên làm lãnh đạo, chắc chắn không phải chỉ vì đó là người chỉ biết ký!!


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cử tri đề nghị làm rõ và xử lý nghiêm việc lợi dụng phòng chống dịch để trục lợi

Sáng 8/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 QH khóa XIV; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/co-nghe-ky-nua-hay-sao-d124023.html