Con trai ông Trần Bắc Hà và bí ẩn hơn 10 triệu USD ở nước ngoài

25/03/2020 10:33

Kinhte&Xahoi Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án liên quan đến cả ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV) và con trai Trần Duy Tùng.

Theo kết luận điều tra, Trần Duy Tùng (SN 1985, Chủ tịch HĐQT công ty CP Tập đoàn An Phú), con trai ông Trần Bắc Hà bị khởi tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tùng đã bỏ trốn, hiện đang bị truy nã quốc tế nên Cơ quan điều tra chưa lấy được lời khai.

Ông Trần Bắc Hà và con trai Trần Duy Tùng (ngoài cùng, bên trái)

Căn cứ kết quả điều tra, xác định, cuối năm 2014 Tùng nhờ ông Nguyễn Gia Thiều (SN 1965, cựu Chủ tịch công ty Bình Hà) đứng tên đại diện 70% vốn điều lệ của công ty CP Tập đoàn An Phú.

Tùng tuy không tham gia vào công ty Bình Hà hoặc đứng tên sở hữu cổ phần, nhưng lại là chủ đứng thứ 2 sau ông Trần Bắc Hà.

Kết luận điều tra cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Tùng, 3 cổ đông là Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh lợi dụng sự tin tưởng của BIDV, thông qua hoạt động bán bò, thu tiền không nộp về tài khoản của công ty Bình Hà để BIDV kiểm soát và thu hồi vốn theo quy định, mà chiếm đoạt hơn 149 tỷ đồng của BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh.

Trách nhiệm chính, cao nhất thuộc về cá nhân Tùng. Con trai ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm toàn diện về tổng số tiền hơn 149 tỷ đồng chiếm đoạt.

Do công ty CP Tập đoàn An Phú đã nhận nợ để hợp thức hóa và che giấu hành vi chiếm đoạt và đã hoàn trả hơn 128 tỷ đồng nên thiệt hại chỉ còn hơn 26 tỷ đồng.

Ngày 26/3/2019, CQĐT đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh và công ty Bình Hà.

Hành vi của Tùng đã phạm vào tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đồng phạm với Tùng là Vinh, nhưng cả hai đã bỏ trốn, đang bị truy nã.

Bí ẩn số tiền hơn 10 triệu USD

Vẫn theo kết luận điều tra, Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thành lập liên doanh là công ty SHH Viêng Chăn.

Việc làm này để thực hiện góp vốn vào LaoVietBank, nhằm hợp thức hóa và che dấu hành vi đầu tư ra nước ngoài trái phép của Tùng, Vinh và Quang.

Việc này cũng nhằm hợp thức hóa số tiền 10,4 triệu USD tiền mặt mà Tùng và Vinh đầu tư trái phép sang Lào, nộp tiền gửi tiết kiệm tại LaoVietBank năm 2013, sau đó dùng để góp vốn vào NH này.

Hành vi của Tùng và đồng phạm có dấu hiệu của tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc Rửa tiền.

Tuy nhiên, Tùng và Vinh hiện đã bỏ trốn, chưa thể ghi lời khai để làm rõ nguồn tiền 10,4 triệu USD này có phải do phạm tội mà có. Cũng chưa thể làm rõ cách thức mà Tùng và Vinh có 10,4 triệu USD trên tại Lào để gửi tiết kiệm năm 2013 như tài liệu điều tra thể hiện.

Vì vậy, chưa đủ căn cứ để xác định có hay không hành vi Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc Rửa tiền. 

Cơ quan điều tra, Bộ Công an tách hành vi này ra khỏi vụ án, khi nào bắt được Tùng và Vinh sẽ điều tra, xử lý sau.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo VietNamNet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/con-trai-ong-tran-bac-ha-va-bi-an-hon-10-trieu-usd-o-nuoc-ngoai-d120170.html