Công an Hà Nội bổ sung thêm 39 chốt kiểm soát người và phương tiện đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới (Ảnh: VNN).

Theo thông tin từ cơ quan chức năng Công an TP Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của thành phố về kiểm soát, phong tỏa triệt để phương tiện, người dân từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài giữa các vùng, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo, công an chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức chốt trực, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào Phân vùng 1.

Tại các chốt, lực lượng chức năng sẽ dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định, kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu, có thể xét nghiệm nhanh Covid-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết, kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào Phân vùng 1. Kiên quyết yêu cầu quay đầu đối với các trường hợp không đủ điều kiện.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch, đeo khẩu trang, kính che giọt bắn, các thiết bị, công cụ hỗ trợ, loa pin để sử dụng khi cần thiết.

Cụ thể, 21 chốt trực loại 1 của thành phố đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao do Công an thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện, cùng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Sở Y tế. Tổng số ca trực 24/24 giờ, chia làm 4 ca trực, mỗi ca 6 tiếng, gồm 16 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, Công an thành phố Hà Nội triển khai 10 cán bộ, chiến sĩ, 2 cán bộ Sở Giao thông Vận tải, 2 cán bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô và 2 cán bộ Sở Y tế.

9 chốt trực do UBND quận, huyện quản lý đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình gồm công an quận, huyện. Tổng số ca trực 24/24 giờ, chia làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng. Thành phần tham gia 5 cán bộ, chiến sĩ công an quận, huyện, 1 cán bộ Thanh tra giao thông, 1 cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện, 1 cán bộ y tế và 1 cán bộ chính quyền địa phương.

9 chốt loại 3 do UBND xã, phường, thị trấn quản lý và công an xã, phường, thị trấn chủ trì thực hiện. Tổng số ca trực 24/24 giờ, chia làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng. Thành phần tham gia 1 cán bộ công an xã, phường, thị trấn hoặc cán bộ công an quận, huyện tăng cường, 1 cán bộ tự quản, 1 cán bộ y tế; 1 cán bộ chính quyền địa phương.

Ngày 3/9, UBNDTP Hà Nội ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Công an TP Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn cụ thể và sử dụng ứng dụng CNTT cấp giấy đi đường, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị và phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn Thành phố (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu phòng, chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…) hoàn thành trong ngày 5/9/2021.

Tổ chức quản lý chặt chẽ và áp dụng thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tất cả các chốt kiểm soát ra - vào Thành phố tiếp giáp với các tỉnh, thành phố khác và các chốt kiểm soát tại Vùng 1, lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24/7 và truyền tín hiệu, thông tin, hình ảnh về Sở Chỉ huy Thành phố, đảm bảo giám sát quản lý theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu thì ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”, đảm bảo an ninh trật tự, không để ùn tắc, tập trung đông người tại các chốt kiểm soát; chủ động ban hành sớm các kế hoạch triển khai cụ thể và thông tin tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cơ quan, đơn vị, người dân biết và thực hiện.

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.Chỉ đạo Công an cơ sở phát huy vai trò trách nhiệm của Tổ Covid cộng đồng, giám sát chặt chẽ những di biến động của người dân trên địa bàn; xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên địa bàn Thành phố. Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống theo các phương án phòng chống dịch của Thành phố ở mức cao; tổ chức diễn tập các phương án và tuyên truyền để người dân yên tâm và chấp hành ủng hộ; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các Nhà tạm giam, tạm giữ, Trại tạm giam do Công an quản lý.

Văn Đại- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/cong-an-ha-noi-lap-them-39-chot-kiem-soat-nguoi-va-phuong-tien-d165375.html