Công an tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị tăng chế tài xử phạt đối với tội cho vay nặng lãi

09/12/2021 15:16

Kinhte&Xahoi Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã kiến nghị tăng chế tài xử phạt đối với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự "tín dụng đen". Để tránh sập bẫy tín dụng đen, bên cạnh các biện pháp đấu tranh mà cơ quan chức năng tiến hành, thì quan trọng là người dân cần nâng cao cảnh giác, không vay tiền của các đối tượng cung cấp "tín dụng đen".

Ảnh minh họa

Theo thống kê của cơ quan chức năng, thời điểm tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 221 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ với 299 cá nhân liên quan. Đây là loại hình kinh doanh được cho là tiềm ẩn nguy cơ hoạt động “tín dụng đen” gây phức tạp trong công tác quản lý.

Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện còn 187 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và 5 cơ sở kinh doanh tài chính với 283 cá nhân liên quan.

Thượng tá Nguyễn Đỗ Huấn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ: Tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian gần đây không dám công khai, nhưng vẫn lén lút hoạt động trá hình dưới các hình thức hợp đồng mua bán, cho thuê để cho vay lãi nặng.

Một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp để hoạt động nhằm tạo niềm tin với người dân và cũng là thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng.

Cơ quan chức năng nhận định, trong thời gian tới, tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ còn tiếp tục có diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh các thủ đoạn phạm tội truyền thống, tìm kiếm các nạn nhân để trực tiếp cho vay “lãi suất cắt cổ”. Các đối tượng cũng sẽ lợi dụng các nền tảng công nghệ thông tin để hoạt động phạm tội, với sự tham gia, hậu thuẫn của các đối tượng là người nước ngoài.

Mặt khác, bên cạnh các trường hợp không tiếp cận được vốn từ các ngân hàng do thiếu năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh, thiếu tài sản bảo đảm, nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách, cơ quan công an cũng đã xác định nhiều trường hợp vay tiền “tín dụng đen” vào mục đích không hợp pháp.

Từ thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, mới đây Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng chế tài xử phạt đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, các hành vi đòi nợ gây mất trật tự công cộng để đảm bảo đủ sức răn đe các đối tượng có ý định phạm tội.

Ngoài ra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị bổ sung các loại hình kinh doanh có khả năng, điều kiện bị các đối tượng lợi dụng phạm tội như dịch vụ tư vấn tài chính, cho vay, hỗ trợ tài chính… vào danh mục các cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) để phòng ngừa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

Công an tỉnh cũng đã kiến nghị, đề xuất ngành ngân hàng tiếp tục rà soát, đổi mới quy trình huy động và cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt là giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh không tiếp tay hoặc tham gia hoạt động “tín dụng đen”.

Để phòng ngừa loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo, điều quan trọng nhất là người dân cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan vay tiền của các đối tượng “tín dụng đen” tránh tình cảnh bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát.

 Lê Sơn - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù cho giáo viên mầm non gặp khó khăn do dịch

Sau hơn 7 tháng, các giáo viên mầm non chưa quay trở lại công việc và vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sở GD&ĐT Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị, đề xuất cơ chế đặc thù; Đề nghị Bộ GD&ĐT trình Chính phủ có mức hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập gặp khó khăn. Sau khi có chính sách của Chính phủ, Hà Nội sẽ kịp thời triển khai nội dung này...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Mỗi đảng viên phải gương mẫu, tự "gột rửa", tự sửa mình

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước; Nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự "gột rửa", tự sửa mình.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cong-an-tinh-vinh-phuc-kien-nghi-tang-che-tai-xu-phat-doi-voi-toi-cho-vay-nang-lai-185125.html