Công bố 4 Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất

18/01/2022 06:54

Kinhte&Xahoi Chiều 17/1, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo công bố 4 nghị quyết vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, diễn ra từ 4-11/1/2022 đã thảo luận và biểu quyết thông qua 4 Nghị quyết: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khoá XV.

Quang cảnh buổi họp báo

Trong đó, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn với gần 350.000 tỷ đồng, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ.

Thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội đã quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, phương án huy động nguồn lực, việc áp dụng một số cơ chế đặc thù và giao các nhiệm vụ cho Chính phủ.

"Quốc hội đã cùng Chính phủ bàn rất kỹ, chỉ ra địa chỉ cụ thể để có nguồn lực cho phục hồi kinh tế - xã hội" - ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được ban hành có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong trung và dài hạn.

Quốc hội đồng ý việc đầu tư thêm 729 km giai đoạn 2021-2025, trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;Hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án,...

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin tại buổi họp báo

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu là thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài những nội dung chính sách áp dụng tương tự như một số thành phố trực thuộc trung ương khác (gồm: Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; Phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý), Quốc hội quyết định thí điểm thêm 2 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng của thành phố Cần Thơ; Ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào Trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, tăng tính kết nối tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh dịch vụ logistic, tăng tính cạnh tranh, thu hút lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ.

Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã khẳng định các kết quả đạt được của kỳ họp, đồng thời, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; khẩn trương ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm các giải pháp khả thi, hiệu quả; tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch đã được quyết định tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội yu cầu khẩn trương ban hành, chủ động chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); Tiếp tục theo dõi sát sao, chủ động nắm chắc, dự báo diễn biến của dịch; Tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với biến thể Omicron và các biến thể mới;

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; Chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; Tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; Xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp nào trái pháp luật...

Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền ở Hà Nội: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Năm 2021, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Qua đó đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của Thủ đô, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và giải ngân vốn đầu tư công.

Thúc đẩy khoa học, công nghệ để phát triển kinh tế

Khoa học và công nghệ (KHCN) được Hà Nội xác định là trụ cột vững chắc, động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, để ngành KHCN phát huy hết tiềm năng, cần một chính sách mang tính đột phá.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cong-bo-4-nghi-quyet-vua-duoc-quoc-hoi-thong-qua-tai-ky-hop-bat-thuong-lan-thu-nhat-188212.html