Công ty Rạng Đông thừa nhận sử dụng thủy ngân lỏng để sản xuất bóng đèn

09/09/2019 07:00

Kinhte&Xahoi Do đặc thù Hg là kim loại tồn tại ở dạng lỏng, không tan trong nước, rất nặng và dễ sa lắng, dễ bốc hơi ngay cả ở nhiệt độ thường và có thể còn nằm lại trên các mái nhà, cây cối, trên các bề mặt và các vật dụng lưu chứa hở nên có nguy cơ gây ô nhiễm trở lại môi trường.

Khu vực xảy ra hỏa hoạn

Thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Cty Rạng Đông), Tổng cục Môi trường (TCMT), Bộ TN&MT cho biết, sự cố cháy nổ tại Cty Rạng Đông xảy ra từ lúc 18h30 đến 23h30 ngày 28/8/2019.

Vụ cháy đã làm cháy khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm (gồm Bóng đèn huỳnh quang: 480.000 sản  phẩm, chủ yếu là loại đèn dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng; Bóng đèn compact: 1.600.000 sản phẩm, sử dụng 01 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng Hg khoảng 22-30%; Bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram: 2.000.000 sản phẩm), nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại. 

Theo báo cáo ban đầu của Công ty, từ năm 2016 Công ty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg. 

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với Lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30mg/bóng. Lượng Hg đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1kg đến 27,2 kg.

Theo TCMT, do đặc thù Hg là kim loại tồn tại ở dạng lỏng, không tan trong nước, rất nặng và dễ sa lắng, dễ bốc hơi ngay cả ở nhiệt độ thường và có thể còn nằm lại trên các mái nhà, cây cối, trên các bề mặt và các vật dụng lưu chứa hở nên có nguy cơ gây ô nhiễm trở lại môi trường.

Do vậy, khuyến cáo người dân trong bán kính 500m tính từ hàng rào của Cty cần thực hiện các biện pháp như: phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thau rửa các bể chứa nước hở… 

Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật và công khai kết quả quan trắc chất lượng môi trường tới người dân. 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những người Hà Nội “cũ”

Một ngày mùa thu Hà Nội vào mùa trăng non, đi tìm những đồ vật giờ đây chỉ còn lại những cái tên gợi nhớ lại thời xa vắng. Những người cuối cùng lưu giữ cả ký ức tuổi thơ biết bao thế hệ người Hà Nội xưa, họ là ai?

Nguồn: Pháp luật Plus