Covid-19 khiến tình trạng “zombie công sở” gia tăng trong giới trẻ

02/12/2021 08:50

Kinhte&Xahoi Không chỉ phổ biến trong loạt phim điện ảnh, “zombie” hay “xác sống” đang tồn tại thực sự trong môi trường làm việc ở nhiều công sở. Không gắn kết với công việc nhưng cũng không ra đi, những "zombie" này gây ảnh hưởng trầm trọng tới văn hóa công sở và hiệu suất ông việc của cả công ty. Đáng báo động hơn, số lượng "zombie" công sở đang ngày một tăng lên và có xu hướng trẻ hóa hậu đại dịch.

Hội chứng “zombie công sở”

 “Zombie công sở" hay “xác sống công sở” là khái niệm dùng để miêu tả về những nhân viên công sở không gắn kết, không làm việc hết sức mình nhưng cũng không ra đi mà làm việc kiểu cầm chừng, dưới khả năng. Từ đó, những "zombie" này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, hiệu quả kinh doanh tại nơi họ làm việc và lan truyền năng lượng tiêu cực tới những nhân viên khác bằng thái độ và hành vi tiêu cực của mình.

"Zombie công sở" - hội chứng đang xuất hiện và phổ biến tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp

Hội chứng “zombie công sở” hiện tại đang rất phổ biến tại nhiều doanh nghiệp. Theo khảo sát của Anphabe trên 26.000 người làm việc tại Việt Nam, chỉ có 13,8% nhân viên thật sự gắn kết với công ty, 46,9% nhân viên gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết.

Đáng chú ý, trong số 39,3% nhân sự thờ ơ với công ty thì có tới 67% vẫn ở lại. Những người này khiến doanh nghiệp thất thoát 11,7% hiệu suất làm việc. Nhân viên càng trẻ thì hội chứng "zombie" càng có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ "zombie" ở Gen Y (nhóm nhân sự sinh năm 1994-1998) lên tới 30,9%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể đến từ các yếu tố cá nhân như bệnh tật, các giai đoạn thay đổi như sinh con, lập gia đình, suy nghĩ, hành động tiêu cực cho đến những yếu tố về thu nhập, phúc lợi, văn hóa công ty, kết nối… của môi trường làm việc.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang khiến cho vấn đề “zombie công sở” trở nên phổ biến và nhức nhối hơn (Ảnh minh họa)

Những ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang khiến cho vấn đề “zombie công sở” trở nên phổ biến và nhức nhối hơn. Áp lực về tài chính hậu đại dịch khiến nhiều người dù không còn muốn cống hiến cho công ty nhưng vẫn ở lại, làm việc trong trạng thái "lờ vờ" để giữ thu nhập cho mình. Ngoài ra, việc chưa có định hướng tương lai rõ ràng khiến những người này cũng không dám đánh đổi vì sợ mất thời gian, tiền bạc hay công sức.

Nhiều ảnh hưởng tiêu cực

 Thức đêm và ngủ rất ít, lý do mà Trần Quỳnh Mai (25 tuổi, nhân viên kiểm hàng) cho biết tại sao cô gái trẻ lại thường xuyên rơi vào tình trạng đó không phải vì áp lực công việc mà do cô chưa có bất kỳ định hướng gì trong tương lai. Quỳnh Mai cũng cho biết, dù không còn nhiệt huyết với công việc nhưng cô không dám từ bỏ vì sợ sẽ không thể kiếm được việc khác tốt hơn.

"Mỗi ngày, mình đều thức dậy với suy nghĩ là hôm nay liệu mình có tiếp tục đi làm không, có nên tiếp tục làm công việc này hay là từ bỏ và tìm công việc khác. Có nhiều hôm đi làm, mình làm đối phó để cho xong việc và cảm thấy rất mệt mỏi, stress, chán ăn. Nhưng nếu không làm công việc này, mình không biết sẽ phải là gì nữa", Quỳnh Mai chia sẻ.

Làm việc trong trạng thái lờ vờ, chán nản, thiếu động lực... khiến cho "zombie công sở" đang gây ảnh hưởng xấu tới văn hóa công sở và năng suất làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan (Ảnh minh họa)

Giống như Quỳnh Mai, Hoàng Lâm (24 tuổi, sống tại Hà Nội) cũng hàng ngày loay hoay với công việc của mình. Từng học chuyên ngành du lịch, đã có một thời gian, chàng trai trẻ có những dự định và ước mơ riêng của mình. Dù vậy, sau khi ra trường và cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống, Hoàng Lâm lại trở nên chật vật, không thể thoát khỏi vòng lặp này.

"Mình muốn bỏ việc nhưng có lẽ không phải là lúc này. Tình hình dịch vẫn đang diễn biến khá phức tạp nên bám trụ tại công ty để có thu nhập ổn định là điều tốt nhất mình nên làm lúc này. Đợt vừa rồi, có một vài công việc được giao nhưng thú thật mình đã không hoàn thành và làm tốt nó. Mình cũng không thể hiểu lý do là gì và tại sao bản thân lại không tập trung như vậy”, Hoàng Lâm nói.

Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Kim Nam cho biết, để thay đổi tình trạng “zombie công sở”, sự gắn kết trong doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì một đội ngũ nhân sự mạnh. Đó đồng thời cũng vừa là điểm thu hút người có năng lực, mà còn kịp thời khích lệ tinh thần khi tâm lý người lao động có sự bất ổn, không để bệnh nặng đến mức chỉ còn một giải pháp là "chia tay" nhân viên zombie.

"Với người lao động, đặc biệt là lao động trẻ hiện đại, tâm lý của họ mong muốn là được chia sẻ, cho họ thấy được vai trò của họ quan trọng như thế nào đối với công ty. Bên cạnh tạo ra gắn kết lý trí bằng những quy định về lương, thưởng, phúc lợi để nhân viên làm việc tương xứng với đồng lương họ nhận được, thì gắn kết trái tim, gắn kết cảm xúc sẽ tạo ra giá trị bền vững hơn”, chuyên gia chia sẻ.

Các doanh nghiệp và bản thân người lao động cần cùng định hướng, chia sẻ và tìm tiếng nói chung nếu không muốn xuất hiện ngày các nhiều những "zombie công sở"

“Ngoài ra, đối với các bạn trẻ, bản thân mỗi người nên xây dựng những kế hoạch, dự định riêng cho mình. Hãy giữ cho mình trạng thái chủ động thay vì bị động. Những lúc gặp khó khăn, căng thẳng, có vài việc đơn giản bạn trẻ có thể làm để thay đổi tâm trạng như đọc một cuốn sách, ăn một món ăn ngon… hay có thể ra ngoài xem phim hoặc du lịch ở bất cứ đâu.

Khi gặp những vấn đề liên quan đếm tâm lý, đến nhu cầu và cảm xúc, đặc biệt là trong công việc, hãy chia sẻ với những người mình tin tưởng hoặc tìm đến bác sĩ tâm lý thay vì tự tìm cách vượt qua để rồi trở thành những “zombie” nơi công sở”, chuyên gia chia sẻ thêm.

 Phạm Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/covid-19-khien-tinh-trang-zombie-cong-so-gia-tang-trong-gioi-tre-184490.html