Việc Hà Tĩnh, Quảng Trị muốn xây sân bay đang có nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa.
Cụ thể, hai bên “hông” Hà Tĩnh hiện giờ, đang có 2 sân bay đó là Sân bay quốc tế Vinh và Sân bay Đồng Hới. Tương tự, ở phía Nam Quảng Trị đang có Sân bay quốc tế Phú Bài và phía Bắc tỉnh này là Sân bay Đồng Hới.
Với vị trí địa lý và quãng đường như thế, trong tương lai, bình quân cứ hơn 60 cây số ở đây sẽ lại có 1 sân bay? Một cự ly tương tự như cự ly bố trí các ga chính của Đường sắt đoạn qua khu vực này.
Nhớ hồi cuối năm ngoái, trong một lần làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể mặc dù không nói thẳng là không ủng hộ đề xuất của địa phương về việc xây sân bay, nhưng ông nhấn mạnh: “Nếu 3 tỉnh liền nhau (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) có sân bay sẽ khó thuyết phục”.
Thế nhưng, Hà Tĩnh vẫn quyết liệt muốn có sân bay. Thậm chí, còn “mạnh dạn” đề xuất làm… sân bay quốc tế, khi mới đây tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Hà Tĩnh vào Quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, với dự kiến sẽ mở đường bay đi, đến Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) tại đây.
Thuyết trình của tỉnh này cũng cho thấy, vị trí dự kiến xây sân bay là một vùng đất gần biển, địa chất vững chắc, bằng phẳng, ít sương mù, ít gió xoáy, cách xa đồi núi… Nhưng có điều hơi khó thuyết phục là vị trí này chỉ cách Sân bay quốc tế Vinh chừng… 70 cây số!
Đề nghị nói trên của Hà Tĩnh đã và đang nhận được những thán từ chứa đựng sự ngạc nhiên từ công luận, kiểu như: “Ngỡ ngàng đề xuất”, “Lo ngại lãng phí”...
Được biết, cùng thời điểm Hà Tĩnh phát văn bản đề nghị bổ sung quy hoạch, lãnh đạo Quảng Trị cũng ra tận Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xem xét phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quảng Trị.
Nếu tính từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, thì Quảng Trị cũng đang nằm trong khu vực “3 tỉnh liền nhau có sân bay” như cách trả lời trước đó của Bộ trưởng GTVT với Hà Tĩnh, vì ở hai đầu đều đã có sân bay quốc tế và nội địa đang khai thác. Tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa sân bay của Quảng Trị có vẻ “sáng” hơn, vì Bộ GTVT đã hướng Quảng Trị đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Cách này dường như hợp ý Quảng Trị, khi trước đó Tập đoàn FLC cũng có thư gửi tỉnh bày tỏ mong muốn được đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị..., với cam kết đây sẽ là một dự án hạ tầng hiệu quả.
Nói tóm lại, tỉnh nào cũng đưa ra những viễn cảnh tươi sáng nếu đề xuất có sân bay của họ được chấp thuận mà dường như ít quan tâm tới hiện trạng các công trình hạ tầng hàng không khu vực lân cận cũng như quy hoạch. Vì thế, nhiều người lo ngại việc vỡ quy hoạch. Một thực tế từng xảy ra, với những bài học đắt giá khi nhiều năm trước, nhiều tỉnh đã đua nhau xin chủ trương mở cảng biển. Hạ tầng hàng không đi sau không thể lặp lại vết xe đổ đó.
Võ Tuấn - Pháp luật Plus