Cục Cảnh sát Giao thông thông tin về trường hợp có nồng độ cồn không liên quan đến bia, rượu

23/02/2023 18:49

Kinhte&Xahoi "Lực lượng CSGT không thể xử lý sai trường hợp không có nồng độ cồn được, đồng thời cũng quy định rõ, cụ thể những trường hợp nào được giám sát và phản ánh của người dân..."

Đó là khẳng định của Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) tại Hội nghị thông tin công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đầu năm 2023 của lực lượng Cảnh sát Giao thông diễn ra ngày 22/2 vừa qua.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, lực lượng CSGT đã thực hiện chuyên đề đo nồng độ cồn trên tuyến đang thực hiện theo kế hoạch, kinh nghiệm quốc tế.

Trước khi thực hiện kế hoạch này, lực lượng CSGT đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, điều tra từng địa bàn, đối tượng, sau đó bố trí lực lượng tại địa điểm đó, thường xuyên thay đổi liên tục, do đó các thủ đoạn của người né tránh chốt, các đối tượng chống đối đã bị hạn chế đến mức thấp nhất.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) thông tin tại hội nghị.

Liên quan đến những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội về việc người tham gia giao thông ăn hoa quả, uống siro, … nhưng đo vẫn có nồng độ cồn và bị xử lý, Thiếu tướng Đức cho rằng, điều này không thể xảy ra.

Phó Cục trưởng phân tích, máy đo nồng độ có hai chế độ là định tính và định lượng. CSGT đo định tính, xác định người điều khiển vi phạm nồng độ cồn mới tiến hành đo nồng độ theo các chỉ số để xác định hàm lượng.

Người dân được giám sát, kiểm tra những gì pháp luật quy định, cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của các máy móc, phương tiện. “Lực lượng CSGT không thể xử lý sai trường hợp không có nồng độ cồn được, đồng thời cũng quy định rõ, cụ thể những trường hợp nào được giám sát và phản ánh của người dân”, Thiếu tướng khẳng định.

Trả lời về những vấn đề liên quan đến máy đo nồng độ cồn, Thiếu tướng Lê Xuân Đức khẳng định "Phương tiện, thiết bị nghiệp vụ trang cấp cho lực lượng CSGT theo quy định của Bộ Công an".

"Do vậy người dân được giám sát, kiểm tra những gì được pháp luật quy định. Còn việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của máy đo nồng độ cồn thuộc về phạm vi, chức năng của cơ quan chức năng".

Lực lượng chức năng xác định người điều khiển vi phạm nồng độ cồn mới tiến hành đo nồng độ theo các chỉ số để xác định hàm lượng (Ảnh minh hoạ).

Thiếu tướng Lê Xuân Đức khẳng định, uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Từ uống rượu, bia dẫn đến nhiều hành vi vi phạm khác. Kế hoạch 299/KH-BCA-C08 của Bộ Công an đã “đánh trúng” nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Đợt cao điểm đã hạn chế rất nhiều tai nạn giao thông, các vụ gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, nổi bật là dịp Tết Quý Mão 2023 không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến vi phạm nồng độ cồn.

Người dân cần làm gì khi không uống rượu bia, những khi đo vẫn lên nồng độ cồn.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 đã quy định hành vi cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, nồng độ cồn bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, rất nhiều địa phương đã tích cực triển khai việc kiểm soát, đo nồng độ cồn và đóng góp tích cực giảm tình trạng tai nạn giao thông do việc uống rượu, bia.

Đối với những trường hợp không uống rượu bia, nhưng khi đo vẫn có nồng độ còn, các chuyên gia pháp lý đưa ra lời khuyên "Nếu trường hợp chưa rõ ràng qua hơi thở có nồng độ cồn thì có thể yêu cầu cảnh sát giao thông đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác. Việc sử dụng thuốc hay đồ uống, thức ăn chắc chắn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi kiểm tra máu.

Người dân khi tham gia giao thông cũng không cần quá lo lắng bởi nếu thực sự sử dụng thức ăn hay thuốc có nồng độ cồn, sẽ không bị xử lý vi phạm hành chính khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cảnh sát giao thông sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để không xử phạt oan người không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Trường hợp này có thể người vi phạm nên dừng xe, uống nước lọc, súc miệng, chờ một lúc kiểm tra lại. Hoặc có thể đến một trung tâm xét nghiệm gần nhất xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cồn. Sau đó, có thể đề nghị phía cán bộ cảnh sát giao thông căn cứ kết quả kiểm tra, xét nghiệm lại để làm cơ sở đánh giá mình có vi phạm nồng độ cồn hay không.

Đại Văn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đầu tư 5.388 tỷ đồng xây đường song hành Vành đai 4 qua Hà Nội

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định số 1072/QĐ-UBND ngày 20/2/2023 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023): Ngành Y tế vượt khó sau đại dịch COVID-19

Bước qua hơn hai năm đại dịch COVID-19, toàn ngành Y tế đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch và bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Đến nay, toàn ngành Y tế cơ bản hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/cuc-canh-sat-giao-thong-thong-tin-ve-truong-hop-co-nong-do-con-khong-lien-quan-den-bia-ruou-d190528.html