Cuộc chiến chống dịch sống động của những “người trong cuộc”

27/06/2021 09:37

Kinhte&Xahoi Rất nhiều kí sự, bài viết, những kí họa, tranh vẽ của những người từng sống trong khu cách ly, khu phong tỏa, từng điều trị COVID-19 hoặc người chứng kiến đã đem lại những góc nhìn có chiều sâu và đầy khách quan về cuộc chiến chống dịch của toàn dân ta.

Bức tranh của nữ sinh kiến trúc vẽ tặng lực lượng chống dịch.

Lan tỏa những bức ảnh đầy tình người

Mới đây, bộ ảnh của nữ sinh kiến trúc vẽ lực lượng chống dịch đã lan tỏa trên mạng xã hội, nhận được sự thích thú, ủng hộ của cộng đồng mạng.

Trương Diễm Vy (sinh năm 1999, Long An) là sinh viên năm cuối Trường Đại học Kiến trúc TP HCM. Thời gian này, ngôi trường đang được trưng dụng làm khu cách ly. Trong khi bạn bè đăng kí tham gia công tác tình nguyện hỗ trợ chống dịch, dù rất mong muốn nhưng Vy không tham gia cùng các bạn được do tình hình sức khỏe. Thế là cô sinh viên kiến trúc, với mong muốn góp phần vào công tác phòng chống dịch, đã quyết định dùng tranh vẽ tặng lực lượng tuyến đầu.

Vy nói, bộ tranh như một kiểu “nhật kí bằng hình” về hoạt động chống dịch. Là những hình ảnh, thông tin, cảm nhận mà cô gái trẻ đọc được trên mạng, qua báo, đài, tivi thời gian qua. Như chuyện em bé 3 tuổi ở khu cách ly tập trung chỉ một mình do người nhà đều là F0.

Rồi các y, bác sĩ ở Bắc Giang phải dùng đá để đắp lên người giải nhiệt khi phải mặc đồ bảo hộ bít bùng giữa mùa nóng khủng khiếp. Rồi câu chuyện vẫn diễn ra hàng ngày ở Sài Gòn, những bữa cơm tình nguyện nấu cho người nghèo, chuyện người lao động vẫn gửi “tiếp tế” ra Bắc Giang chống dịch…

Năm ngoái, ở thời điểm đầu dịch bùng phát, còn nhớ một du học sinh tại Anh trở về nước, sống trong khu cách ly đã vẽ bộ ảnh kí họa về khu cách ly cực kì sinh động đã chinh phục biết bao trái tim. Trên mạng xã hội những ngày đầu dịch bệnh lan truyền không ít tin thất thiệt về các khu cách ly. Nào bẩn thỉu, thiếu thốn cơ sở vật chất, nào ăn uống rất sơ sài, nuốt không trôi, nguy cơ lây nhiễm bệnh…

Thời điểm ấy, du học sinh Tăng Quang sống ở khu cách ly tập trung (Trường Quân sự Quân khu 7, TP HCM). Những bức ảnh của Tăng Quang được vẽ mỗi ngày, từ những gì chàng trai trẻ chứng kiến trong cuộc sống hàng ngày ở khu cách ly. Các y, bác sĩ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trong khu cách ly, những người bạn cùng phòng thú vị.

Nét vẽ chân thực cộng thêm những chú thích, câu chuyện lồng ghép cực kì hài hước, sáng tạo, bộ tranh kí họa đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của người xem. Đồng thời, khiến cho người dân có cái nhìn đúng đắn, tích cực hơn về khu cách ly. Trong kí họa còn bộc bạch tâm tư của chính Tăng Quang, người Việt Nam xa xứ trước đại dịch.

Sau khi hoàn thành đợt cách ly, Tăng Quang trở về nhà và vừa vẽ thêm 20 bức ký họa để tặng bác sĩ trong Trường Quân sự. Trước sự yêu cầu của công chúng, chàng du học sinh đã xuất bản quyển sách tranh với tựa đề “Con đã về nhà - I’m home” như một câu chuyện tổng thể hoàn chỉnh về những ngày tháng sống trong khu cách ly. Sách được Nhà xuất bản Phụ Nữ và Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) bán để gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn sau COVID-19.

Cũng là vẽ tranh nhưng một thầy giáo ở Hà Tĩnh, là F1 cách ly tập trung tại trường mầm non đã quyết định vẽ lên tường của ngôi trường những bức tranh đẹp, tươi sáng. Thầy giáo ấy tên Lê Duy Lợi là giáo viên mỹ thuật của Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Trong thời gian cách ly dài, ngồi một chỗ cũng không biết làm gì cho khuây khỏa, trong khi thấy các bức tường ở trường mầm non nơi đây đã có dấu hiệu bong tróc, xuống cấp nên anh Lợi nảy ra ý tưởng vẽ các bức tranh lên tường để tặng các cháu nhỏ ở ngôi trường này.

Sau khi được lãnh đạo trường chấp thuận, anh Lợi nhờ một cán bộ tại điểm cách ly về nhà mình đưa sơn, bút vẽ và các dụng cụ cần thiết khác đến. Gần hết thời gian cách ly, anh Lợi đã vẽ được hơn 4 bức tranh trên bốn bức tường lớn. Những bức tranh có màu sắc tươi vui, sinh động, vẽ các em đang chơi đùa giữa thiên nhiên, đang ngủ giữa bầu trời sao làm những bức tường của trường mẫu giáo trông vui vẻ, tươi mới hẳn lên.

Thông điệp động viên tinh thần người Sài Gòn được lan tỏa trên mạng xã hội.
Sách ảnh “Con đã về nhà: - I’m home” của Tăng Quang.

Những thông điệp nhân văn

Không vẽ tranh, nhiều người khác chọn những hình ảnh chụp, những bài viết để truyền tải thông điệp tích cực về chống dịch. Chị Nguyễn Thị Lan Hương, một người dân trong khu phong tỏa tại quận Bình Tân mấy ngày này đều đặn đăng những bức ảnh “bữa cơm trong khu phong tỏa” lên mạng xã hội. Đó là những bữa cơm nghĩa tình của những người dân chung quanh hỗ trợ.

Là một người lao động, thời gian phong tỏa đồng nghĩa với nghỉ việc, mất thu nhập, ban đầu chị Lan Hương rất lo lắng cho cả nhà vì không biết sẽ ra sao trong những ngày sắp tới. Nhưng rồi chị rất ngạc nhiên và cảm động vì nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều người. Từ những tiểu thương bán hàng ở đầu hẻm cho đến các “mạnh thường quân” đến tặng thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Trong nội bộ khu cách ly, những nhà có hoàn cảnh khá giả, dư ăn, dư mặc cũng thường đem quà tặng cho những hộ gia đình khó khăn hơn. “Tôi đăng những bữa ăn của mình hàng ngày như nhật kí để lưu giữ, sau này lục lại sẽ nhớ mình từng nhận được biết bao nhiêu tình cảm đáng quý trong những ngày cả khu bị phong tỏa”, chị Lan Hương chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Pha, 66 tuổi, Bí thư Chi bộ Ô Khu vực 12 chung cư Belleza, phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM thì viết hẳn một “kí sự” câu chuyện diễn ra mỗi ngày ở khu vực chung cư mình ở đang bị phong tỏa để gửi đến một tòa soạn báo. Trong “kí sự” ấy là nỗi hoang mang, lo lắng khi nhận thông tin toàn bộ khu vực đang sinh sống bị phong tỏa, là sự mất ngủ của người dân, sự xáo trộn trong đời sống sinh hoạt, lấy mẫu, khử trùng…

Và rồi đến những ngày tập làm quen với chuyện phong tỏa. Những điều tử tế nho nhỏ diễn ra trong khu phong tỏa. Những chiếc xe gắn máy từ nơi khác, do các chàng trai, cô gái trẻ đem thực phẩm đến “tiếp tế”. Rồi có gia đình, ngày nào cũng nấu ăn đem thức uống mời tổ chốt làm nhiệm vụ chống dịch. Những gia đình nhường cơm, sẻ áo cho nhau… Một bức tranh chân thật, thấm đẫm tình người đã được viết nên trong kí sự ấy.

Mới đây, mạng xã hội chia sẻ bức thư của em Nhật Hà - học sinh lớp 4A Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Tĩnh) gửi cho ba Trần Đình Vĩ - Chiến sĩ công an TP Hà Tĩnh. Từ lúc dịch COVID-19 mới bùng phát tại Hà Tĩnh, anh Vĩ đã thực hiện nhiệm vụ ở chốt kiểm soát dịch 19D cầu Thạch Đồng.

Bức thư của em gây xúc động bởi những lời viết đầy chân tình, thấm đẫm tình cảm của con gái dành cho ba đang làm nhiệm vụ ở xa: “Ba lên đường làm nhiệm vụ chống dịch, nên gia đình ta không thể về quê được, nhưng ba yên tâm nhé chúng con đã gọi điện thoại động viên bà rồi và nói hết dịch chúng con sẽ về. Con ở nhà rất ngoan, giúp mẹ làm việc nhà và đọc sách nữa ba ạ. Ba nhớ con không? Con nhớ ba nhiều lắm, mong hết dịch để ba về đưa con đi ăn kem, đi nhà sách. Ba ơi thời tiết thay đổi thất thường lúc mưa rào, lúc nắng gắt ba nhớ giữ gìn sức khỏe. Ba cho con gửi lời hỏi thăm tới các chú đồng đội của ba, con chúc ba và các chú luôn khỏe mạnh, bình an để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”…

Cũng thời gian này, nhiều thông điệp không biết xuất phát từ đâu bỗng lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội. “Sài Gòn: Cách ly không cách lòng. Gắng vững và không hờ hững. Bớt xinh nên cần vắc xin. Bao dung giờ bớt đi lung tung. Nghĩa tình nên ít bực mình. Vậy đó…”. Sài Gòn - giãn cách nhưng không giãn tình người”… Rất nhiều thông điệp được chia sẻ rộng rãi, như một lời động viên, an ủi dành cho người Sài Gòn trong những ngày dịch bệnh hoành hành.

Mai này, dịch bệnh rồi sẽ được đẩy lùi. Nhưng những bức tranh, những lá thư, kí sự đời thường, thông điệp… rồi sẽ trở thành một phần của lịch sử. Để mà khi nhìn lại, người ta sẽ rưng rưng nhớ rằng, đó có một thời đầy gian khó nhưng cũng đầy vượt khó, đẫm tình người của dân tộc ta.

Trân Trân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Làm gì để đỡ trên vai em gánh nặng mưu sinh?

Năm 2021 được chọn là Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em để nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết thúc đẩy những nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em khẩn cấp hơn bao giờ hết. Báo cáo mới nhất về lao động trẻ em cho thấy con số lao động trẻ em trên toàn cầu tăng đột biến vì đại dịch Covid-19. Ở Việt Nam, số giờ làm việc của lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm có xu hướng cao…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cuoc-chien-chong-dich-song-dong-cua-nhung-nguoi-trong-cuoc-d159253.html