Cựu Giám đốc CDC Hà Nội là chủ mưu vụ nâng giá máy xét nghiệm Covid-19

15/11/2020 10:53

Kinhte&Xahoi VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 10 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế Hà Nội,

Ông Nguyễn Nhật Cảm.

Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan. 10 bị can bị truy tố gồm Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Than (Trưởng phòng Tài chính kế toán), Lê Xuân Tuấn (nhân viên phòng tài chính kế toán)…

Tài liệu điều tra thể hiện, theo phân công nhiệm vụ, Nguyễn Nhật Cảm trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác mua sắm đấu thầu, cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, ông Cảm còn trực tiếp phụ trách Phòng Tổ chức hành chính, Phòng Tài chính kế toán, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ đồng thời là Chủ tịch Hội đồng mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ của Trung tâm.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, ngày 14/2/2020, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định về việc bổ sung kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng, chống dịch, trong đó bổ sung dự toán cho Sở Y tế Hà Nội hơn 214 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố năm 2020. Ngày 15/2/2020, Sở Y tế Hà Nội giao CDC hơn 31 tỷ đồng, trong đó có danh mục mua các thiết bị của gói thầu số 15 gồm 1 hệ thống Realtime PCR tự động, 1 máy tách chiết DNA/RNA tự động... Giao DCD làm chủ đầu tư gói thầu số 15 trên.

Sau khi được Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư gói thầu số 15, CDC Hà Nội đã lựa chọn thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các quy định khác của Chính phủ về lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, Nguyễn Nhật Cảm đã không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu mà chủ động gặp, bàn bạc, thống nhất giá mua hàng hóa thuộc danh mục gói thầu số 15 với nhà thầu. Sau đó, chỉ đạo các bộ phận chức năng trong đơn vị thực hiện hành vi gian lận, hợp thức hóa toàn bộ quy trình, thủ tục chỉ định thầu để mua sắm hàng hóa là máy móc, thiết bị y tế theo đúng giá đã thỏa thuận mua bán, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

Trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định ông Cảm với vai trò Giám đốc CDC, có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hóa, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bị can Cảm đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị can Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh ấn định mức giá gói thầu là 9,54 tỷ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường.

Ông Cảm cũng trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị can Nguyễn Trần Duy (TGĐ Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) để Duy giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức do CDC Hà Nội yêu cầu, ghi lùi ngày ký hợp đồng để hợp thức các thủ tục chỉ định thầu.

Ngoài ra, giám đốc CDC Hà Nội còn chỉ đạo các cán bộ cấp dưới hợp thức hồ sơ đấu thầu để gói thầu số 15 để chỉ định Công ty MST trúng thầu trái quy định gây hậu quả thiệt hại ngân sách nhà nước 5,4 tỷ đồng. Hành vi của ông Cảm bị xác định đã phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự. Ông Cảm bị VKS cáo buộc có vai trò chủ mưu, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án. Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Nhật Cảm thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Quá trình công tác, ông Cảm có nhiều thành tích trong công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh nên được coi là tình tiết giảm nhẹ được xem xét khi xét xử.

Về trách nhiệm dân sự, theo cáo trạng, ông Cảm cùng 9 bị can khác phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền gây thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng. Riêng bị can Nguyễn Thanh Tuyền phải chịu trách nhiệm liên đới với số tiền gây thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng.

Hồng Mây - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bảo vệ đất trồng lúa: Cần quyết tâm và hành động thực tế

Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 22-3-2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việc chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất là cần thiết, nhưng cũng cần sự tính toán cần thiết, lộ trình phù hợp nhằm bảo vệ diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội.

Sống chung với thiên tai

Đổ bao nhiêu nước ngọt ra biển mới khiến biển hết mặn? Điều tưởng như không tưởng đó đã hóa sự thật ở một dải bờ biển Phú Yên.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/cuu-giam-doc-cdc-ha-noi-la-chu-muu-vu-nang-gia-may-xet-nghiem-covid-19-d140686.html