Đã có 20 trường hợp mắc bạch hầu, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống

03/07/2020 16:00

Kinhte&Xahoi Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, ngày 2-7, Bộ Y tế đã có Công điện số 3592/CĐ-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông đến Sở Y tế các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước.

Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan.

 

Theo đó, từ đầu tháng 6-2020 đến nay, trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 20 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp (tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, trong đó có 1 trường hợp tử vong) và tại tỉnh Kon Tum 8 trường hợp.

Để hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu, đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Mặt khác, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe trong cơ sở khám, chữa bệnh và trong cộng đồng để người dân hiểu và chủ động phòng, chống dịch bạch hầu; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để chuẩn bị tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng.

Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, điều trị người bệnh bạch hầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh Đắk Nông chuyển đến theo đúng quy định về thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm B, như tiếp nhận và xử lý điều trị cấp cứu.

 Thu Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chung tay cùng công nhân vượt khó

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp và công nhân cả nước nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mô hình “Siêu thị giá 0 đồng” đã được tổ chức Công đoàn triển khai tại Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Hoạt động này góp phần chung tay hỗ trợ công nhân vượt khó, đồng thời lan tỏa tinh thần nhân văn trong cộng đồng.

Không chủ quan với những đốm lửa nhỏ

Mặc dù số vụ cháy có nguyên nhân từ bất cẩn do sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trên địa bàn Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 1/3 so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên không thể lơ là, chủ quan khi nguy cơ cháy vẫn tiềm ẩn, nhất là khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Tập trung phòng ngừa từ cơ sở, nâng cao ý thức người dân là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa những đốm lửa nhỏ có thể bùng phát thành đám cháy lớn.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/da-co-20-truong-hop-mac-bach-hau-bo-y-te-yeu-cau-tang-cuong-phong-chong-d128589.html