Đà Lạt 'ngộp thở' vì nhà kính

18/09/2019 19:43

Kinhte&Xahoi Đà Lạt đẹp, thơ mộng với những rừng thông bát ngát, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhưng Đà Lạt giờ đây cũng đang dần bị phá vỡ cảnh quan bởi những kiến trúc kiểu mới, công trình du lịch trái phép và những nhà kính bạt ngàn.

Ảnh minh họa

Khi màn đêm buông xuống, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) từ trên những con đường, đỉnh đồi nhìn xuống, những ánh đèn vàng lung linh trải khắp các thung lũng tạo nên một khung cảnh đẹp huyền diệu như cổ tích. Rất nhiều du khách đến Đà Lạt cũng mê mẩn trước cảnh sắc này và cũng không ít tấm hình check in ảo diệu từ đó mà ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, có là một “vẻ đẹp gây hại” khi những ánh đèn lung linh trải dài ấy là từ những nhà kính trồng rau củ mọc lên ngày một nhiều, tràn lấp không gian Đà Lạt. Ban đêm lung linh là thế, nhưng ban ngày, những nhà kính lộ ra vẻ xấu xí với những phông bạt, nhựa sắt màu trắng xóa phi tự nhiên nằm khắp nơi. Thống kê sơ bộ, hiện Đà Lạt có khoảng 4.500 ha nhà kính. Đó là còn chưa kể đến nhà lưới và một số mô hình tương tự. 

Những năm gần đây, nhu cầu du lịch tăng cao, nhu cầu về thực phẩm, rau củ cũng tăng, cộng với việc là vùng khí hậu đẹp, thuận lợi cho việc trồng rau củ, nên mô hình nhà kính liên tục mở ra ở Đà Lạt. Có năm đỉnh điểm, chỉ trong 1 năm, diện tích nhà kính Đà Lạt đã tăng lên gấp 2, 3 lần. Hiện nay, khắp Đà Lạt, những vùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đều đã bị xâm chiếm bởi nhà kính: đường Thái Phiên, khu Trại Mát, hồ Than Thở, đồi Thông Hai mộ, làng hoa Vạn Thành…

Nếu như cách đây tầm 4, 5 năm, nhìn từ trên cao xuống, Đà Lạt bạt ngàn những rừng thông xanh mướt và hoa cỏ tươi mát, thì giờ đây, đập vào mắt du khách nhiều nhất là những dãy nhà kính nối đuôi nhau bất tận. 

Sự xuất hiện ồ ạt của nhà kính cũng đồng nghĩa với việc các rừng thông, rừng cây và cảnh quan thiên nhiên biến mất ngày càng nhiều. Chưa nói đến chuyện nước thải, rác thải từ nhà kính xả thẳng xuống thung lũng là một trong những nguyên nhân khiến Đà Lạt ngập lụt dữ dội trong thời gian gần đây, một hiện tượng mà trước kia hầu như không có.

Ngoài ra, khí thải từ nhà kính cũng là nguyên nhân khiến Đà Lạt bị ô nhiễm môi trường và khí hậu nóng lên, biến đổi khí hậu tác động đến cả khu vực chứ không riêng gì Đà Lạt. Cạnh đó, việc trồng rau củ trong nhà kính đã được nghiên cứu là dễ dàng dẫn đến các mầm sâu bệnh, không tốt như rau củ quả trồng tự nhiên. 

Hiện, diện tích nông nghiệp được quy hoạch tại Đà Lạt chỉ hơn 10 ngàn ha. Trong khi đó, số lượng nhà kính đã chiếm gần 1/2 và nếu tính cả những loại hình tương tự thì diện tích nông nghiệp canh tác tự nhiên chẳng còn bao nhiêu! Nếu như chính quyền thành phố tiếp tục để tình trạng mở rộng nhà kính này diễn ra, trong tương lai, Đà Lạt sẽ chẳng còn là Đà Lạt mộng mơ, mà biến thành thành phố của nhà kính, của nông nghiệp “lồng kính”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus