Đồn Biên phòng Sơn Trà bắn pháo hiệu thông báo bão gần bờ cho các phương tiện tàu, thuyền
UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu UBND các quận, huyện thành lập Sở chỉ huy tại địa phương để kịp thời chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão Noru, báo cáo kết quả hàng ngày trước 18 giờ về Thường trực BCH Tiền phương thành phố.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện sơ tán dân tránh bão, nhất là các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng, khu vực nhà ở không đảm bảo an toàn, huy động lực lượng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra, hoàn thành trước 14 giờ ngày 27/9.
Sau khi xin ý kiến Thường trực Thành ủy, thống nhất từ 12 giờ trưa mai (27/9/2022), cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp... được nghỉ làm việc.
Cũng từ 12 giờ trưa 27/9, dừng họp chợ trên địa bàn thành phố. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động phân công cán bộ, công chức, viên chức... tham gia phòng chống lụt, bão của mình và của địa phương.
Hàng loạt trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng nhanh chóng được sắp xếp biến thành chỗ ở, trú tránh bão cho hàng ngàn người dân
UBND TP Đà Nẵng giao Sở Công thương, Sở Lao động - TB&XH; BQL Khu công nghệ cao và Khu Công nghiệp thành phố kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng, chống bão, bố trí lực lượng sản xuất kinh doanh phù hợp; yêu cầu các đơn vị thi công phải hoàn thành việc hạ, neo giữ, gia cố cần trục tháp, cầu và các thiết bị thi công, phải hoàn thành trước 8 giờ ngày 27/9/2022.
Ngoài ra, các chủ đầu tư công trình xây dựng kiên quyết không cho công nhân ở tại các lán trại tạm trên công trình, có phương án di dời đến nơi sơ tán trên địa bàn quận, huyện nếu công nhân không có chỗ ở khác.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, TKCN và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, trong kịch bản bão Noru giật cấp 14 đến cấp 17, tổng số người dân tại Đà Nẵng phải sơ tán là hơn 107.000 người. Trong đó, huyện Hòa Vang có số người dự kiến được sơ tán nhiều nhất với gần 30.000 người.
Đoàn Minh- TTTĐ