Đà Nẵng: Vì sao rút giấy phép 36 biệt thự của Đất Xanh Miền Trung?

11/09/2019 11:04

Kinhte&Xahoi UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND quận Ngũ Hành Sơn, Công ty Cổ phần Đất Xanh Miền Trung do liên quan đến việc đầu tư xây dựng 36 căn nhà ở để bán, cho thuê tại Khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ An (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) của Công ty CP Đất Xanh Miền Trung (ĐXMT).

Các căn nhà đã xây xong phần thô.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, ĐXMT đã nhận chuyển nhượng 36 lô đất biệt thự trên đường Song Hào thuộc KĐT Phú Mỹ An từ 36 người dân vào khoảng tháng 8/2017.

Chủ đầu tư đã tổ chức triển khai đầu tư xây dựng 36 căn nhà ở biệt thự để bán, cho thuê trên cơ sở 35 giấy phép xây dựng nhà ở gia đình do UBND quận Ngũ Hành Sơn cấp kèm theo thiết kế do Phòng Quản lý đô thị quận thẩm tra và 1 giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp. Hiện 36 căn nhà ở đã cơ bản hoàn thiện phần thô nhà 3 tầng.

Về tính pháp lý của 36 căn nhà ở trên, Sở Xây dựng cho biết chủ đầu tư xây dựng 36 căn nhà ở gia đình có mục đích để bán, cho thuê. Theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Xây dựng, việc các cơ quan cấp 36 giấy phép xây dựng nhà ở gia đình cho ĐXMT là không đúng quy định.

Vì thế, Văn bản UBND TP Đà Nẵng gửi Sở Xây dựng, UBND quận Ngũ Hành Sơn, ĐXMT cho biết, Chủ tịch TP thống nhất với tham mưu của Sở Xây dựng, yêu cầu ĐXMT dừng thi công với 36 công trình nhà ở gia đình (nhà biệt thự) xây dựng trên đường Song Hào thuộc Khu đô thị Phú Mỹ An nêu trên. Khẩn trương hoàn tất thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Đồng thời ĐXMT phải chấp hành xử phạt hành chính về hành vi không tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định.

UBND Đà Nẵng giao UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức thu hồi 35 giấy phép xây dựng nhà ở gia đình do UBND quận này cấp cho ĐXMT không bảo đảm quy định. UBND quận Ngũ Hành Sơn phải chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị quận nghiêm túc rút kinh nghiệm, tăng cường cập nhật các quy định pháp luật trong công tác cấp phép xây dựng. Đồng thời, chỉ đạo Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị quận theo dõi, giám sát việc ngừng thi công với toàn bộ 36 công trình nêu trên.

UBND Đà Nẵng cũng giao UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp chủ đầu tư dự án KĐT Phú Mỹ An là Công ty CP Đầu tư Xây dựng 579 kiểm tra rà soát việc xây dựng hệ thống kè ven sông Cổ Cò. Sở Xây dựng có trách nhiệm thu hồi giấy phép xây dựng công trình sở cấp không đúng quy định; nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác cấp phép. Yêu cầu Sở Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính với ĐXMT về hành vi không tổ chức lập dự án đầy tư xây dựng với công trình.

Liên quan đến vấn đề này, phía ĐXMT đã có thông tin phản hồi. Theo đó, các lô đất này ĐXMT nhận chuyển nhượng trực tiếp từ các cá nhân mua đất, các sổ được cấp lần đầu năm 2012, đến năm 2017 - 2018 ĐXMT mua lại. Cuối 2018 ĐXMT quyết định đầu tư xây dựng thô 36 căn biệt thự riêng lẻ, có “văn bản miễn giấy phép xây dựng số 4149/SXD-CPXD ngày 14/05/2018 của Sở Xây dựng về việc xác nhận trường hợp miễn giấy phép xây dựng các công trình nhà ở thuộc dự án Khu đô thị Phú Mỹ An”.

“Các công trình nhà ở riêng lẻ ĐXMT đang xây dựng thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo điểm e khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo các điều kiện khi thực hiện các thủ tục cập nhật nhà lên sổ và đảm bảo về công tác xây dựng 36 căn nhà riêng lẻ trên, ĐXMT đã lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng tại quận Ngũ Hành Sơn”, ĐXMT cho biết.

“Trong quá trình thực hiện hồ sơ để xin công nhận chủ đầu tư với dự án trên, khi kiểm tra các hồ sơ thủ tục với dự án, Sở Xây dựng đã hướng dẫn chúng tôi thực hiện lập dự án đầu tư (là một bước trong hồ sơ pháp lý để hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng công nhận chủ đầu tư) và đề nghị thu hồi lại các giấy phép đã cấp để thực hiện cấp đổi lại theo đúng biểu mẫu, quy trình và đồng thời áp dụng điều kiện miễn phép theo đúng quy định. Chúng tôi đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để đưa công trình vào sử dụng trong quý IV/2019”, ĐXMT cho biết.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công tác giảm nghèo chưa bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng nguyên nhân dẫn đến kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững là do một số ít người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng.

Nguồn: Pháp luật Plus