Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) thảo luận tại tổ.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đánh giá cao Chính phủ, Ban soạn thảo, mà trực tiếp là Bộ Tư pháp, thành phố Hà Nội và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi hồ sơ tài liệu đến Quốc hội từ sớm, bảo đảm thời gian cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, dự thảo Luật quy định tăng từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25% được coi là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND.
“Tôi tán thành với quy định tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách lên 25%, theo đó tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 đại biểu lên 125 đại biểu với lý do Thủ đô Hà Nội có quy mô dân số đông thứ 2 cả nước”, đại biểu nói và cho rằng, với sự phát triển của Chính phủ số, xã hội số, công dân số thì các hình thức, phương pháp, công cụ đại diện cũng nên cân nhắc thêm theo hướng số hóa và tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô để bộ máy được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.
Góp ý về mô hình chính quyền trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, chính quyền địa phương cấp phường chỉ bao gồm UBND phường; tổ chức bộ máy phù hợp với nghị quyết nên được kiện toàn tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực; việc phân cấp, ủy quyền linh hoạt, chủ động trong triển khai hoạt động công vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng cao, giảm bớt nhiều khâu trung gian, rút ngắn quy trình thủ tục và thời gian trong việc giải quyết công việc.
Việc quy định UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng phù hợp với chức năng là cơ quan hành chính tại phường nhưng vẫn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy phường, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền nên vẫn duy trì được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với UBND phường và Chủ tịch UBND phường.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận tại tổ.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn với quy định mô hình thành phố trong thành phố được quy định trong dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của thành phố trực thuộc Thủ đô còn khá mờ nhạt, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, phân cấp mạnh hơn cho mô hình này trong Luật Thủ đô (sửa đổi). “Ủy ban Pháp luật đề nghị chưa nên quy định các nội dung quá đặc thù trong dự thảo Luật khi chưa rõ về quy mô, chức năng, định hướng phát triển của các đô thị này nhưng tôi cho rằng thể chế phải đi trước, các nhiệm vụ, quyền hạn rõ, nhiều hơn, xứng tầm với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội”, đại biểu nói.
Về các cơ chế chính sách xã hội trong dự thảo Luật, đại biểu Quàng Văn Hương (Đoàn Sơn La) quan tâm đến chính sách an sinh xã hội. Đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật chưa đề cập đến các đối tượng yếu thế từ người khuyết tật, đối tượng tệ nạn xã hội, người nghèo, dân tộc thiểu số chưa thể hiện rõ nét. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát lại và có chính sách rõ hơn để giải quyết được với các nhóm đối tượng này, tránh việc các đối tượng không được quan tâm đúng mức, tạo ra khoảng cách. “Cần rà soát chính sách, có quy định cụ thể để Thủ đô phát triển toàn diện theo tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau”, đại biểu nói.
Mai Hữu - Hà Nội mới