Đại dịch Covid-19: Người lính và những hy sinh thầm lặng

19/04/2020 16:02

Kinhte&Xahoi Nhiệm vụ của họ là chốt chặn kiểm soát người qua đường biên cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, và đưa về khu cách ly. Có tới 1573 tổ chốt chặn của bộ đội biên phòng căng ra suốt 3 tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Campuchia làm nhiệm vụ. Bao nhiêu chuyện vất vả, gian nan, có người cha mất không về chịu tang được.

Mặc dù khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ biên phòng rất tự hào vì đã góp công sức cùng cả nước để phòng, chống dịch lây lan.

Thường nhật, những người lính biên phòng đồn trú ở núi rừng, hải đảo đã quá vất vả gian nan. Nơi thì giá rét, chỗ thì nắng nóng. Rừng núi hoang vu. Lúc mưa, mưa lắm, sạt núi lở đồi. Có đồn hết nước, bể dự trữ cạn khô, phải đi bộ mấy cây số đến mỏ nước gùi về ăn uống, tắm giặt. Đêm tuần tra, mật phục bắt người vượt biên hoặc bọn tội phạm ma túy thì mưa lũ cũng đi, nắng khô rừng nỏ cây cũng đi. Nửa đêm đi, gà gáy sáng cũng đi. Chân chồn bước mỏi thì nghỉ, khuya khoắt thì mắc võng ngủ rừng. Tất cả, cũng vì sự an toàn, trật tự, bình yên suốt dọc dài biên ải tổ quốc.

Những ngày này, nhân loại có tới 2 tỷ người đang “cấm trại”, không dám ra khỏi nhà; đất nước ta cách ly hoàn toàn xã hội, nhà nọ không sang nhà kia, thôn nào ở yên thôn đó, xã nào ở xã đó, huyện nào ở huyện đó, tỉnh nào ở tỉnh đó, thì những người lính biên phòng lại phải đến chốt chặn kiểm soát kiểm dịch phòng chống Covid-19. Vất vả, gian nan tăng thêm bội phần. Ở đồn, ở tổ công tác, dù vất vả nhưng cũng được sống và làm việc trong doanh trại. Đang tập võ thuật, đang tăng gia rau xanh gặp mưa gió tơi bời thì chạy vào trong nhà vững chắc. Tập điều lệnh đội ngũ nắng quá thì giải lao đứng trong bóng râm cây xanh, hoặc tán dù. Còn đi chốt chặn kiểm dịch thì... lều bạt, chòi, hoặc lán tạm... lợp bằng cỏ gianh, lá dừa, vách thưng bằng bìa cát tông, vải bạt.

Chẳng hạn: Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh lập 16 chốt chặn trong rừng suốt dọc đường biên giới với Lào. Nhiệm vụ là ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch. Tổ chốt chặn gần cửa khẩu Cầu Treo làm từ ngày 18/3. Nhận lệnh, 16 chiến sĩ cấp tốc mang dao, rựa, cuốc, xẻng đi bộ đến tọa độ đã chấm lập chốt. Mới dựng xong khung lán, chưa kịp phủ vải bạt lên mái thì trời tối và mưa rừng ào ạt. Người ướt sũng, mà quần áo, chăn màn chưa kịp mang theo. Rét run, ăn mì tôm thay cơm.

Chẳng hạn: Biên phòng Long An thành lập 44 tổ, chốt ngăn các đường mòn, lối mở, kiểm soát người xuất nhập cảnh trái phép như thế. Cái trong rừng tràm. Cái giữa đồng không. Một túp lều dựng bên đường. Dĩ nhiên có cái barie chắn ngang. Ai đi ngang qua đều kiểm soát giấy tờ, đo thân nhiệt. Lính biên phòng đi dọc đường biên, gặp dân hai nước đều giải thích không nên gặp nhau vì dịch virus. Ai không biết tiếng Khmer thì cứ xướng lên... corona... corona... và lấy bàn tay làm ngôn ngữ thì dân nước bạn cũng hiểu đừng lại gần nhau.

Các chiến sĩ Đồn biên phòng quốc tế Vĩnh Xương (An Giang) kiểm tra thân nhiệt người dân.

Chốt số 3 xã Thạnh Trị, Kiến Tường, Long An là cái chòi xộc xệch lợp lá dừa. Một đầu gối lên đường, một đầu đặt trên các cột chống từ dưới dốc. Con đường vắt qua cánh đồng rộng mênh mông đang hạn hán, khô nẻ. Tầm nhìn xa trên 10 cây số chỉ thấy vài cây thốt nốt lá xanh mờ, còn lại là đồng không mông quạnh. Đồn ở xa. Dân ở xa. Chợ cũng ở xa. Trời biên giới ẩm ương, đang nắng chang bất chợt mưa xối xả. Mưa quần quật xuống mái lều, nước theo đường lá chảy cả vào trong. Lau chùi. Che chắn. Cuối cũng cũng sũng nước. Đành nhìn trời cầu mong cơn mưa qua nhanh. Chốt số 3 xã Thạnh Trị không điện, không dân, sóng điện thoại phập phù lúc có lúc không.

Chốt chặn ở bản Hong Lúa cách đồn biên pòng Lóng Sập 22 cây số. Đường đồi núi vòng vèo, quanh co lên xuống dốc. Lán vải bạt xanh, dựng ở rừng tre cạnh cột mốc 252. Đường vào chốt, ngày nắng còn đi được xe máy, chứ ngày mưa nhão nhoét chỉ có nước đi bộ. Chốt có ba lính biên phòng, được bổ xung thêm một dân quân nữa là bốn người. Nếu như chốt số 3 ở Thạnh Trị, Long An, lính ta thay nhau phóng xe máy 7km về đồn ăn cơm, thì chốt Hong Lúa phải tự nấu cơm nước dã chiến. Xa chợ. Xa dân. Bữa ăn được nấu với đôi bàn tay vụng về của các chàng lính trẻ, không thể tươi xanh, đầy đủ như ở đồn. Thực ra, lúc đầu ai cũng nghĩ chốt chặn dịch virus covid chỉ khoảng vài tuần, đâu có ngờ kéo dài hơn ba tháng rồi. Bây giờ, chưa biết khi nào thì nhổ chốt, thu quân?

Người lính, đặc biệt là lính biên phòng, trước lúc mặc sắc phục nhà binh cũng đã xác định được môi trường sống của mình là xa nhà, là gắn bó cả đời với miền biên viễn. Vất vả gian lao thường trực, trải nghiệm mãi rồi cũng qua. Nhưng, nỗi đau mất người thân đột ngột trong những ngày dịch virus Covid cách ly toàn xã hội, không về chịu tang cha thì chẳng ai nghĩ ra, không tưởng tượng nổi.

Ở chốt chặn số 3 xã Thạnh Trị, Kiến Tường, Long An, khoảng hai giờ chiều, trung úy Nguyễn Đình Thông đang đứng trước cửa lều dò sóng điện thoại thì chuông reo. Là cuộc gọi của người bác: "Bố con... sắp đi!". Lát sau, lại cuộc điện thoại nữa: "Bố con... đi rồi! Thông ơi!". Trời đất quay cuồng. Không tin được cha đã mất. Đồng đội cùng chốt cũng đột ngột.

Ở chốt chặn Hong Lúa thuộc đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập - Sơn La, thiếu úy biên phòng Bùi Quang Huy đang ngủ thì giật mình thức giấc. Trằn trọc không ngủ lại được. Nửa đêm, trời không một vì sao. Lán tạm ủ ê. Rừng tre cũng chìm vào khuya khoắt. Sốt ruột, linh tính có điều gì đó chẳng lành, Huy gọi điện thoại về nhà thì mẹ bảo: “Huy ơi, con ơi, ba mất rồi”. Trời đất miền rừng đã tối, như đổ sập xuống trước mặt người lính lại càng tối hơn.  

Tại đường mòn "xương cá" 05-06, lực lượng Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) túc trực 24/24 giờ - Ảnh: Tiền phong

Binh nhì Trần Đức Chung ở Đại đội 4 - Trung tâm huấn luyện Bộ đội Biên phòng, cũng cha mất, cũng đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch virus Covid 19, không về chịu tang được.

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói rằng: “Không có bài hát nào nói đủ về mẹ. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người”. Còn nhà từ thiện Richard Evans nói về người cha rằng: “Không chiếc gối nào êm ái bằng bờ vai cứng cáp của người cha”. Các điểu hiển nhiên này, ai cũng biết. Lúc bình thường, khi yên ổn hay bất an, người ta thường mải miết làm ăn gây dựng cuộc sống riêng, hoặc do điều kiện sống, công tác theo mệnh lệnh của tổ quốc, ít có điều kiện thời gian gần gũi chăm sóc mẹ cha. Chỉ khi cha mẹ mất mới là lúc chấn động tư tưởng, tình cảm đời sống nhất. Lúc đó, mất mát chia ly hiện hữu. Lúc đó, mới thấy mình mồ côi. Lúc đó mới muốn quay ngược kim đồng hồ thời gian trở lại tuổi thơ để được cha mẹ ôm ấp, trở lại những tháng ngày vừa qua để phụng dưỡng chăm sóc bậc sinh thành. Trong mọi cuộc chia lìa thì sống chết mỗi người một ngả là cuộc chia người thân vĩ đại nhất, chân thành nhất, mất mát nhất. Có nỗi đau thương nào hơn cha mẹ mất con, con mất cha mẹ. Vì vậy, lúc mỗi người một thế giới ai cũng muốn ở bên nhau. “Nghĩa tử là nghĩa tận” hiểu theo cái nghĩa là dịp cuối cùng biểu hiện hành động và tình cảm với người đã khuất thì ai cũng muốn về với nhau. Điều này, ai đã từng cha mất, mẹ mất dễ chia sẻ hơn với những người lính biên phòng không về chịu tang cha trong những ngày cả nhân loại gồng mình phòng chống virus Covid-19.

Bàn thờ vọng cha được đồng đội lập tạm giúp họ ngay nơi đang công tác. Khăn tang xé từ vải quân y. Bát hương. Hoa tươi. Khói nhang nghi ngút. Có bàn thờ đặt di ảnh, có bàn thờ không. Nghẹn ngào. Tưởng nhớ. Họ không thể về nhìn mặt cha lần cuối. Không về được chịu tang cha và đưa cha đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thương xót vô tận! Dịch virus Covid hoành hành khắp địa cầu, làm nhiều người nhiễm, nhiều người chết, rồi chia ly cả người sống chết không được gặp nhau lần cuối. Thời bình, người lính vẫn chịu những thiệt thòi, hy sinh cá nhân thầm lặng như thế!

Mặc dù khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Hữu (huyện An Phú - An Giang) rất tự hào vì đã góp công sức cùng cả nước để phòng, chống dịch lây lan. Trong ảnh, các chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Hữu chuẩn bị cơm trưa.

***

Đời người, cưới vợ lấy chồng được cho là dấu mốc cuộc sống, là ngày hạnh phúc nhất. Sinh ra, lớn lên, rồi thực sự chững chạc, trưởng thành, ai cũng nghĩ đến một gia đình hạnh phúc đầm ấm. Người lính biên phòng trên dọc dài nẻo đường biên cương tổ quốc cũng thế, niềm khao khát một mái ấm có khi còn cháy bỏng hơn. Cháy bỏng hơn, bởi họ xa nhà triền miên, luôn vắng thiếu tình cảm. Một ánh mắt người yêu, một bờ vai người vợ. Những cái ôm hôn nồng nàng... đều là khao khát rất con người với người lính. Vậy mà, hơn 3 tháng qua, đã có hơn 30 cán bộ, chiến sĩ biên phòng... hoãn cưới vợ, hơn 20 người vợ sinh con, mà họ vẫn chưa thể về nhà. Như thời chiến, bởi phòng chống virus covid 19 như chống giặc. Thời chiến len lỏi vào từng nhà, đến từng người. Chưa có bao giờ, hòa bình mà những người lính biên phòng lại phải chịu mất mát, hy sinh cá nhân âm thầm, nghiệt ngã như thế. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chạy đua để chi trả ngay tiền hỗ trợ người dân trong mùa dịch

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, có khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, phấn đấu thực hiện việc chi trả ngay trong tháng 4-2020.

Có một Việt Nam đoàn kết

Ông Jean-Noel Poirier - Đại sứ Pháp tại Việt Nam (2012-2016), vừa có bài viết trên trang báo Pháp Causeur.fr so sánh cách thức chống dịch Covid-19 tại một số nước châu Á với châu Âu ở góc độ văn hóa. Ông viết bài này khi đang là bệnh nhân điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-dich-covid-19-nguoi-linh-va-nhung-hy-sinh-tham-lang-d2082479.html