Đắk Lắk: Cảnh báo ngộ độc thức ăn từ nấm rừng và thịt cóc

14/06/2021 17:13

Kinhte&Xahoi Sau khi ăn nấm, cả 6 người trong gia đình có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Sáng 14/6, Ông Nguyễn Khắc Hiếu – Giám đốc TT Y tế huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn mới xảy ra vụ ngộ độc nấm tại Buôn Bia, xã Ea Hiao làm 6 người trong gia đình bị ngộ độc.

Gia đình ông Y Grek Ksơr đã nấu cháo bắp trộn với nấm rừng. 

Theo thông tin ban đầu, tối 12/6, gia đình ông Y Grek Ksơr (58 tuổi, chủ nhà) nấu cháo bắp trộn với nấm rừng. 

Sau khi ăn xong, cả 6 người trong gia đình có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nghi bị ngộ độc thực phẩm. 

Trong số 6 người có triệu chứng, hai người là chị Nay H’Kiên (24 tuổi) và cháu Nay Y Tân (3 tuổi) phải nhập viện điều trị, 4 người còn lại sau đó sức khoẻ ổn định nên không phải nhập viện. . 

Trước đó, tại Buôn Hdung, xã Ea Mroh (Cư M’Gar, Đắk Lắk) cũng xảy ra vụ ăn thịt cóc khiến 3 cha con bị ngộc độc phải nhập viện điều trị. Trước đó, chiều 10/6, do trời mưa nên anh Y Tuông Ksor (26 tuổi, trú buôn Dhung, xã Ea Mdroh) đi bắt cóc về làm thịt cho gia đình ăn. Đến sáng 11/6, sau khi làm thịt cóc và chế biến, anh Y Tuông cùng ăn với hai con là Y Hai Niê Hra (6 tuổi) và H’Bom Niê Hra (3 tuổi). 

Ngay sau đó, cả 3 cha con Y Tuông có dấu hiệu bị ngộ độc nên được mọi người đưa đến trung tâm Y tế huyện Cư M’gar để cấp cứu. Hiện nay sức khoẻ của ba cha con đã ổn định, đang tiếp tục được điều trị. 

Thời gian gần đây, người dân thường xuyên bắt cóc, nưa (một loài giống con trăn)… và hái các loại nấm rừng để chế biến và sử dụng trong gia đình. 

Theo một bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thịt cóc có hàm lượng dinh dưỡng cao nên người dân thường làm thịt cóc để chữa bệnh còi xương, suy dinh dưỡng cho con cái, người già, người mới ốm dậy ăn cho lại sức. 

Nhưng khi làm thịt cóc rất dễ dính mủ, mật cóc và có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Bà Lê Thị Châu - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk cho biết tình trạng ngộ độc do ăn thịt cóc và nấm rừng xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt tại các buôn, làng vùng sâu, vùng xa.

Do vậy, chi cục đẩy mạnh việc tuyên truyền nguy cơ ngộ độc do ăn thịt cóc và nấm rừng cho người dân vùng sâu, vùng xa.

 Ngọc Anh - Bình Minh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/dak-lak-canh-bao-ngo-doc-thuc-an-tu-nam-rung-va-thit-coc-d158210.html