Đảng ta ngày càng mạnh hơn, trong sạch hơn

02/02/2020 10:57

Kinhte&Xahoi Cái được lớn nhất, đáng phấn khởi nhất trong nhiệm kỳ này chính là nhân dân rất đồng tình, ủng hộ và niềm tin vào Đảng đang được củng cố, nâng lên. Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, trong sạch hơn.

Ảnh minh họa.

PGS.TS Lê Kim Việt, nguyên giảng viên cao cấp Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định như vậy khi chia sẻ với PLVN về những thành tựu nổi bật đã đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua.

Niềm tin vào Đảng đang được nâng lên

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, với quyết tâm chính trị cao, Ban Chấp hành Trung ương (TƯ), Bộ Chính trị đã ban hành rất nhiều quy định nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Ông đánh giá thế nào về những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng đã đạt được trong thời gian qua?

- Trước hết phải thấy rằng, trong hơn 30 năm đổi mới, chưa có nhiệm kỳ nào mà sau Đại hội Đảng, TƯ lại có nhiều nghị quyết về công tác xây dựng Đảng như nhiệm kỳ Đại hội XII. Cụ thể, từ sau Đại hội XII đến nay, Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 14 nghị quyết, quy định liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong đó phải kể đến Nghị quyết TƯ 7 bàn về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, mà tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; Nghị quyết TƯ 8 quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, gần đây Bộ Chính trị có Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền...

Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng ta rất cao, rất quyết liệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các nghị quyết của Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị cũng cho thấy công tác xây dựng Đảng được triển khai khá toàn diện trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; kết hợp “xây” với “chống”, từ đó tìm ra các giải pháp trong các khâu, các mặt của công tác xây dựng Đảng.

Các giải pháp lần này đã cụ thể hơn, quyết liệt hơn, đúng trọng tâm và có khâu đột phá mà các nhiệm kỳ trước chưa thể hiện cụ thể. Ví dụ, Đảng đã nhấn mạnh khâu kiểm soát quyền lực và trách nhiệm người đứng đầu. Đây là vấn đề rất bức xúc mà lâu nay chưa được quan tâm giải quyết.

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ thì tập trung vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Trong xử lý, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng thì không có vùng cấm, không có ngoại lệ; tập trung giải quyết một số vụ việc lớn, bức xúc, từ đó làm “rung chuyển” cả hệ thống.

PGS.TS Lê Kim Việt.

Từ những chuyển biến đó, kết quả đạt được rất tích cực. Thứ nhất là Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, trong sạch hơn. Chúng ta đã loại ra khỏi Đảng một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất.

Thứ hai, việc thực hiện Điều lệ Đảng và các nguyên tắc Đảng đang được chấn chỉnh lại, đặc biệt là tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế trách nhiệm tập thể. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, các cấp ủy đảng đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do cố ý làm trái nguyên tắc Đảng.

Thứ ba, bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Hàng chục tổng cục; hàng trăm vụ, viện, sở, ban ngành; hàng nghìn các phòng, ban ở các cơ quan TƯ và địa phương được giải thể, sáp nhập, điều chỉnh chức năng… Điều đáng nói là, đầu mối giảm, biên chế giảm nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn tăng cao, 2 năm liên tiếp đều tăng trên 7%.

Nhưng theo tôi, cái được lớn nhất, đáng phấn khởi nhất chính là nhân dân rất đồng tình, ủng hộ và niềm tin vào Đảng đang được củng cố, nâng lên.

Phải nghe dân nhiều hơn và thật sự trọng dân

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ tham nhũng, quan liêu, xa dân... của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều, gây bức xúc dư luận. Có ý kiến lo ngại rằng, đằng sau những sai phạm đó có sự quản lý lỏng lẻo trong công tác cán bộ? Ông có nhận xét gì về tính răn đe trong công tác xử lý những sai phạm này?

- Mặc dù nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương, quyết tâm của Đảng, phấn khởi khi những kẻ cơ hội, thoái hóa bị xử lý kỷ luật, nhưng nhân dân vẫn còn nhiều bức xúc. Đó là tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng các hiện tượng tham nhũng, suy thoái, tiêu cực xã hội chưa thể xử lý hết ngay được mà phải dần dần từng bước với quyết tâm ngày càng cao hơn. Ngoài ra, những vấn đề khác như dân chủ, môi trường, an ninh xã hội… cũng chưa có chuyển biến mạnh, cho nên nhân dân vẫn còn nhiều bức xúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đều nói rằng, công tác xây dựng Đảng là khâu then chốt, trong đó công tác cán bộ là vấn đề then chốt, quyết định chất lượng đội ngũ cán bộ. Những sai phạm trong đội ngũ cán bộ vừa qua có một phần nguyên nhân là do công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo.

Còn vấn đề xử lý đã đủ sức răn đe chưa? theo tôi, qua những vụ việc vừa qua cho thấy Đảng ta rất quyết tâm, tính chất răn đe cũng rất lớn, nhưng cũng chưa đủ độ cần thiết, bởi còn nhiều vụ chưa được giải quyết, nhiều vụ “tham nhũng vặt” còn tồn tại, lại xuất hiện một số biểu hiện tinh vi hơn, phức tạp hơn. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” cũng còn khá phổ biến…


Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức. Để làm được điều này, theo ông, Đảng ta cần tập trung vào những vấn đề gì?

- Đúng là trong Đảng và trong hệ thống chính trị hiện nay đang xuất hiện một hiện tượng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển… Đây là một hiện tượng suy thoái mới - suy thoái ý chí chiến đấu và tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức.

Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả công tác xây dựng Đảng, đến hiệu quả hoạt động của cả bộ máy và đi ngược lại xu hướng chung của xã hội, trái với mong đợi của nhân dân. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì rất dễ rơi vào tình trạng được mặt này lại hỏng mặt khác.

Để khắc phục hiện tượng này, theo chúng tôi, có mấy vấn đề. Trước hết phải làm thế nào để phát hiện ra, phải nhận diện được hiện tượng bàn lùi, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, nhụt chí, cầm chừng, im hơi, cầu toàn trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là việc không dễ nhưng không phải không làm được.

Muốn phát hiện ra ai cầm chừng, ai nhụt chí, ai bàn lùi... có nhiều cách. Một là phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Có thể là người đứng đầu kiểm tra, giám sát người dưới quyền; cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; nhân dân giám sát Đảng, chính quyền. Bác Hồ từng nói: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không? Muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Khéo kiểm tra, kiểm soát, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”.

Hai là phải có cơ chế dân chủ để phát huy vai trò của nhân dân, thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền. Bác Hồ đã căn dặn rằng, dân biết hết, biết tất cả, chỉ có điều nói ra hay không nói ra. Dân không nói ra một phần là do chưa có cơ chế để phát huy có hiệu quả vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Do vậy phải nghe dân nhiều hơn và thật sự trọng dân.

Vừa qua, Bộ Chính trị có Quy định số 205 về “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền”, theo tôi như vậy chưa đủ mà phải kiểm soát quyền lực trong tất cả các khâu, các lĩnh vực, với phương châm: ở đâu có quyền lực và trách nhiệm thì ở đó phải được kiểm soát. Nếu trong cơ quan, đơn vị xảy ra tiêu cực, tham nhũng, có bao che, có tình trạng cầm chừng, bàn lùi... thì người đứng đầu, cấp ủy ở đó phải chịu trách nhiệm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại: “Ai nhụt chí, ai bàn lùi thì đứng sang một bên”. Không phải để họ tự giác đứng sang một bên mà phải có cơ chế gạt họ sang một bên. “Lò” đã nóng, không thể nguội được, “tàu đã chạy, không thể dừng được”- đó là cơ chế kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm.

Cùng với đó, phải có cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh, công bằng và một hệ thống pháp luật đồng bộ. Công khai, minh bạch các quy chế, quy định, phải tạo ra sự đồng thuận của cả xã hội. Phải có một hệ thống cơ chế và hệ thống pháp luật để bảo đảm những kẻ cơ hội không thể bàn lùi, không dám bàn lùi và không muốn bàn lùi.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dang-ta-ngay-cang-manh-hon-trong-sach-hon-d116327.html