Dấu ấn những “bóng hồng” tỏa sáng trong lịch sử Việt Nam

10/03/2022 10:50

Kinhte&Xahoi “Phấn son tô điểm sơn hà, làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”, người phụ nữ Việt Nam vô cùng mạnh mẽ nhưng rất đỗi dịu hiền, “Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như Bác Hồ đã khen tặng. Dấu ấn của họ không chỉ làm rạng rỡ lịch sử nước ta mà còn là tấm gương chói lọi để ngày nay chị em phụ nữ tiếp bước truyền thống vẻ vang, tiếp tục khẳng định giá trị bản thân, cống hiến cho gia đình và xã hội.

Chưa bao giờ khuất phục hoàn cảnh

 Người phụ nữ cũng như những đóa hoa, không ngừng vươn mình về ánh nắng mặt trời. Chính vì thế, họ chưa bao giờ chịu khuất phục hoàn cảnh mà luôn tìm cách khắc phục để vượt lên chính mình. Sống trong thời đại phong kiến với nhiều lề thói ràng buộc, chúng ta vẫn có những người phụ nữ kì tài, hiếm có.

Phụ nữ Việt Nam đẹp dịu dàng trong tà áo dài

Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là tấm gương điển hình nhất về hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Ngay từ thuở đầu của lịch sử, Hai Bà Trưng đã vượt qua mọi định kiến hà khắc về phụ nữ của lễ giáo phong kiến để đứng lên cầm vũ khí, kéo quân ra trận, đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập.

Ngay sau khi phất cờ khởi nghĩa, Hai Bà đánh vào Luy Lâu, khiến viên Thái thú Tô Định phải "cắt tóc, cạo râu, vứt bỏ ấn tín, trà trộn vào đám loạn quân tháo chạy về nước". Đúng như lời tuyên thệ của Hai Bà trước khi khởi nghĩa: “Một xin rửa sạch nước thù/Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng”.

Đại Việt sử ký toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử, với tên gọi Trưng Nữ vương. Đền thờ Hai Bà Trưng tại Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) hàng năm vẫn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dâng hương tưởng nhớ công lao đồng thời cũng là để ca ngợi, phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của Hai Bà. Đặc biệt, năm nay cũng chính là kỉ niệm 1982 năm ngày Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Tấm gương của Hai Bà cùng các nữ tướng sẽ đời đời được người dân Việt Nam ghi nhớ, biết ơn.

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2020

Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, tấm gương của Bà Triệu Thị Trinh khiến kẻ thù khiếp hãi: “Cầm giáo đánh hổ dễ / Giáp mặt Vua Bà khó” hay Nguyên Phi Ỷ Lan giúp vua chăm lo việc triều chính, nữ tướng Bùi Thị Xuân - một trong “Tây Sơn ngũ phụng thư”, Bà Ba Cẩn - vợ “Hùm thiêng Yên Thế” Đề Thám, Cô Giang - vợ lãnh tụ chống thực dân Pháp Nguyễn Thái Học… đều để lại những trang vàng chói lọi về cuộc đời, tài năng, sự nghiệp của mình để hậu thế ngưỡng mộ, noi theo.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tự mình tạo ra biểu tượng của chiến thắng, tự mình đứng dậy gánh vác nhiệm vụ của non sông, những người phụ nữ nhỏ bé của Việt Nam đã làm nên vô vàn kỳ tích, họ đã dựng lên hình tượng của giới để khắc vào non sông: “Trên đất nước nghìn năm chảy máu / Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm” (Hoàng Trung Thông).

Những nữ anh hùng

 Với nhận thức chính trị rõ ràng, nhiều lớp chị em phụ nữ Hà Nội và khắp cả nước đã chịu ảnh hưởng của tư duy mới: “Phấn son tô điểm sơn hà, làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”, họ đã tham gia vào rất nhiều các hoạt động chính trị xã hội.

Bà Nguyễn Thị Định còn được gọi là Ba Định là nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bà xuất thân từ gia đình nông dân tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre và bắt đầu tham gia Cách mạng từ phong trào Đông Dương đại hội năm 1936 với vai trò liên lạc, rải truyền đơn, vận động bà con chống lại sự áp bức, bóc lột ở địa phương.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định

Bà là người trực tiếp chỉ đạo cuộc Đồng khởi Bến Tre đợt I (ngày 17/1/1960) ở ba điểm xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp thắng lợi, mở đầu cho phong trào Đồng khởi. Sau cuộc Đồng khởi, bà làm Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre. Bà được Liên Xô trao tặng Giải thưởng Hòa bình Lênin năm 1968.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Bà được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1995.

Với Nhân dân Việt Nam và thế giới, cái tên Nguyễn Thị Bình đã trở nên quá đỗi thân quen, gần gũi. Bà nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968 - 1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định. Bà cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Việt Nam từ 1992 đến 2002.

Bà Nguyễn Thị Bình kí Hiệp định Paris năm 1973

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2002, bà tiếp tục làm Chủ tịch của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Năm 2003, bà thành lập Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam và làm Chủ tịch của tổ chức này cho đến nay. Ngoài ra, bà cũng là Chủ tịch danh dự của Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam kể từ khi hội này được thành lập vào tháng 1/2004. Năm 2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng cho bà Huân chương Hồ Chí Minh để ghi nhận những công lao to lớn của bà đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bà Võ Thị Thắng chính là người con gái trong bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” nổi tiếng - một trong những biểu tượng tinh thần chiến đấu bất khuất, lạc quan của nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 2/8/1968, trước Tòa án quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn, sau khi nghe kết án, Võ Thị Thắng đã bình tĩnh, tự tin, nở nụ cười, dõng dạc tuyên bố: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”.

Tiếp tục thăng hoa trên nhiều lĩnh vực

 Trí tuệ mẫn tiệp, sắc sảo và tính cách sắt đá, cương quyết, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã công tác trong ngành ngoại giao hơn 20 năm, trở thành chiếc cầu nối thế giới và Việt Nam, đảm nhiệm rất nhiều vị trí quan trọng, hỗ trợ cho phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại các vòng đàm phán Hiệp định Paris, đại sứ ở Bỉ, Luxembourg, kiêm trưởng phái đoàn đại diện VN với Liên minh châu Âu tại Brussels (Bỉ).

Bà Tôn Nữ Thị Ninh

Bà cũng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội, Đồng Chủ tịch nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin; Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Đại học Trí Việt…

Còn rất nhiều cái tên như Nguyễn Thị Minh Khai, Mẹ Suốt, Mẹ Thứ, Trần Thị Lý, Võ Thị Sáu, Đặng Thùy Trâm… hay những nhà khoa học nổi tiếng như GS Võ Hồng Anh, GS Nguyễn Thị Hồng, TS Nguyễn Thị Tâm Bắc… đều nổi tiếng trong và ngoài nước. Đặc biệt, khi đất nước mở cửa hội nhập, ở lĩnh vực nào, từ kinh tế, ngoại giao, khoa học, kinh tế, giáo dục, văn học nghệ thuật… đều có dấu ấn của những “bóng hồng”.

Doanh nhân Mai Kiều Liên

Những cái tên như Phạm Thu Hương, Mai Kiều Liên, Thái Hương, Nguyễn Thị Phương Thảo, Lê Hoàng Diệp Thảo… cũng khiến cánh “mày râu” ngả mũ kính phục về sự sắc sảo, quyết đoán khi điều hành những doanh nghiệp lớn của đất nước nhưng vẫn đầy vẻ đẹp của nữ tính. Còn rất nhiều phụ nữ trẻ như "Anh hùng khí hậu" Hoàng Thị Minh Hồng - cô gái Việt Nam chinh phục Nam Cực và gần đây nhất là Hoa hậu Hòa bình thế giới Nguyễn Thúc Thùy Tiên… Họ vẫn tiếp tục miệt mài, bền bỉ nỗ lực làm nên những điều khiến người người khâm phục, ngưỡng mộ.

Hoa hậu Hòa bình thế giới Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Tin rằng, cùng với Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiều cơ chế, chính sách mới được bổ sung, hoàn thiện sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho phụ nữ Việt Nam được tỏa sáng, ghi dấu ấn trên các lĩnh vực mà mình yêu mến và đam mê, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

 Cẩm Tú - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh, chất lượng đào tạo có bị ảnh hưởng?

Việc các trường Đại học Y không xét tuyển ngành Y bằng các tổ hợp có môn Sinh học đang khiến dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Về vấn đề này, lãnh đạo trường Đại học Y Dược Thái Bình cho rằng, không ảnh hưởng đến chất lượng đào tào và hướng đến đổi mới giáo dục…

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dau-an-nhung-bong-hong-toa-sang-trong-lich-su-viet-nam-191482.html