Người dân đến làm thủ tục tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Theo đó, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung các nội dung đã làm được và các nội dung tồn tại, thiếu sót để rút kinh nghiệm.
Công tác thông tin tuyên truyền cần kịp thời, gắn liền với các hoạt động, sự kiện; Phạm vi tuyên truyền bảo đảm các tiêu chí: Hình thức truyền thông đa phương tiện (báo giấy, truyền hình, sóng phát thanh, các nền tảng số, sân khấu hóa...), lựa chọn loại hình phù hợp với mỗi nội dung cần đăng tải.
Văn phòng UBND thành phố, các sở: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa và Thể thao được giao xây dựng một số chuyên đề về công tác kiểm soát thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị. Tăng cường tuyên truyền qua các phương tiện thông tin điện tử nhằm nâng cao các chỉ số SIPAS, PAPI, PAR Index.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội; Triển khai hiệu quả Đề án 06 với tinh thần năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Kế hoạch cũng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ công chức trong phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức, hướng mục tiêu “lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước” trên địa bàn thành phố, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, duy trì và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của thành phố thuộc nhóm địa phương dẫn đầu của cả nước.
Diệu Linh - TTTĐ