ĐBQH: Muốn thu hút nhân tài, phải bỏ tiêu chuẩn "viên chức"

11/06/2019 10:19

Kinhte&Xahoi ĐBQH cho rằng, việc quan trọng giúp phát triển, thu hút, trọng dụng người tài là phải tháo gỡ rào cản, không cần tiêu chuẩn viên chức.

Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Về chính sách thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người tài, đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) cho rằng, Điều 6 của Dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế chính sách phát triển thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài, đồng thời giao người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ công chức căn cứ quy định Chính phủ, quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan tổ chức đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng)

Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, việc giao như dự thảo dẫn đến nhiều cơ quan đơn vị cùng ban hành quy định về chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng, dẫn đến việc áp dụng thiếu đồng bộ, thống nhất.

Hơn nữa, quy định về chế độ sử dụng người có tài năng phải là quy định mang tính chất quy phạm pháp luật. Do đó, đại biểu Hoa đề nghị luật cần thiết phải có khái niệm thế nào là người có tài năng.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, việc quan trọng giúp phát triển tài năng, thu hút nhân tài là phải tháo gỡ rào cản đơn giản. “Muốn mời giáo sư nước ngoài về Việt Nam làm lãnh đạo một đơn vị chuyên môn sẽ khó khăn vì vị giáo sư ấy sao có thể là viên chức, có bằng trung cấp chính trị. Cũng như người trẻ ở Việt Nam không phải viên chức thì không thể đưa vào vị trí bổ nhiệm, quy hoạch”- đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu cụ thể.

Do vậy, đại biểu Hiếu đề xuất nên có một hội đồng cho từng chuyên ngành, đặc biệt trong các đơn vị sự nghiệp công lập để phát hiện, bồi dưỡng các tài năng. Quyết định của hội đồng này có ý nghĩa quan trọng để chính quyền tham khảo, có thể đưa hội đồng này vào luật hóa.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng cho biết, xu hướng hiện nay là giảm biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập, việc này đi ngược lại việc chúng ta muốn bổ nhiệm bác sĩ, nhà khoa học trẻ làm vị trí lãnh đạo. “Chúng ta giảm viên chức, giảm biên chế nhưng vẫn cần phát triển khoa học, kỹ thuật. Tôi đề nghị có thể tháo gỡ nút thắt là việc bổ nhiệm vị trí lãnh đạo chuyên môn ở các đơn vị sự nghiệp công lập không cần tiêu chuẩn viên chức, chỉ cần có hợp đồng lao động dài hạn” - ông Hiếu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang).

Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều địa phương ban hành chính sách thu hút, sử dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ nhưng kết quả chưa như mong muốn. Nhiều người được thu hút, đào tạo, được bồi dưỡng nhưng sau một thời gian ngắn những người này xin nghỉ việc để ra khu vực tư. Ngược lại, nhiều lĩnh vực công không thể thu hút người có tài năng về làm việc do nhiều nguyên nhân khác nhau như tiền lương, điều kiện làm việc, cơ hội phát triển không bằng khu vực tư.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật một số quy tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách, bảo đảm quy trình, thủ tục tuyển người có tài năng vào làm việc khu vực công một cách đơn giản, quy định chính sách bảo đảm môi trường, điều kiện làm việc để người có tài năng phát huy tài năng của mình, quy định chính sách bảo đảm cơ hội phát triển cho người có tài năng” - đại biểu Lê Quang Trí cho biết./.

Theo Pháp luật Plus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhân sự 4 cơ quan

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định nhân sự 4 cơ quan: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Đại học Quốc gia Hà Nội.