Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức điều hành, trả lời kiến nghị của Nhân dân

28/10/2022 16:04

Kinhte&Xahoi Sáng 28/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25/5/2017 của Thành ủy về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng…

Quang cảnh hội nghị

Kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề Nhân dân quan tâm

 Sau 5 năm triển khai thực hiện, Quy chế tiếp xúc đối thoại đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động nền nếp, thường xuyên của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp từ TP đến cơ sở, góp phần tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị TP, củng cố niềm tin của Nhân dân Thủ đô với cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền.

Trong 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động tiếp xúc, đối thoại đã được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; Thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự và tham gia ý kiến góp ý. Tỷ lệ trả lời, giải quyết đạt trên 96% ở cấp huyện; Cấp xã là 83,7%.

Từ năm 2017 đến nay, cấp TP đã tổ chức được 18 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa đồng chí Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thủ đô; Đã có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của các đồng chí Thường trực Thành ủy với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết.

Hoạt động tiếp xúc, đối thoại được thực hiện bằng nhiều cách làm sáng tạo, như: Sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện nhân dân địa phương trước khi tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại; Huyện về xã, xã về thôn để thực hiện đối thoại với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân"… Qua đó, thể hiện sự chủ động của cấp ủy, chính quyền trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, dự báo chính xác tình hình, nhất là xác định trước các nguy cơ tiềm ẩn phức tạp, để đối thoại, tháo gỡ, không để phát sinh “điểm nóng”…

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến và đồng chí Nguyễn Doãn Toản trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể có thành tích xuất sắc

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các quận, huyện đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý trong việc triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành uỷ. Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, 5 năm qua, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ quận đến phường đã trao đổi, làm rõ và trả lời trực tiếp tại hội nghị 2.052/2.646, đạt 77,5% ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Nhân dân. Quận Tây Hồ cũng chỉ đạo lựa chọn những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống dân sinh, cần sự góp ý, chia sẻ, đồng thuận của nhân dân như: Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng - đô thị, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường để thực hiện đối thoại... Nhờ thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2200-QĐ/TU, trong hai năm 2021, 2022 chỉ số cải cách hành chính của quận Tây Hồ đứng thứ 5/30 quận, huyện, thị xã. 9 tháng năm 2022, quận Tây Hồ đã đạt và vượt 17/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách đã vượt 41% dự toán năm…

Bí thư Quận uỷ Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, qua 5 năm thực hiện, quận đã tổ chức 8 hội nghị định kỳ cấp quận với sự tham gia của 1.733 đại biểu tham dự. Nhiều kiến nghị của nhân dân đã được các cơ quan chức năng tham mưu xử lý giải quyết hiệu quả như: Dự án đường vành đai 1, dự án đường Liễu Giai - Núi Trúc, Núi Trúc - Sơn Tây. Ngành giáo dục - đào tạo quận đã tổ chức 334 hội nghị đối thoại với đội ngũ cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh… Đến nay, 49/49 trường học công lập trên địa bàn đã đưa nội dung đối thoại vào nhiệm vụ thường xuyên của năm học, tạo bầu không khí dân chủ trong hội đồng sư phạm của nhà trường.

Tại huyện Quốc Oai, cùng với việc tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ thu hút 2.810 đại biểu tham dự, huyện đã tổ chức 55 cuộc tiếp xúc, đối thoại đột xuất, tập trung vào các vấn đề dân sinh như: Giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng với 3.079 người tham dự; Tiếp thu 843 ý kiến và trực quyết giải quyết 749 ý kiến ngay tại hội nghị…

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến và đồng chí Phùng Thị Hồng Hà trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định 2200-QĐ/TU

Đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc, đối thoại

 Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, biểu dương sự tích cực, chủ động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở trong việc thực hiện Quyết định 2200-QĐ/TU của Thành ủy.

Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, như: Công tác tuyên truyền về nội dung Quyết định tại một số nơi còn chưa được coi trọng. Một số nơi còn lúng túng trong công tác chuẩn bị, điều hành, tổ chức thực hiện. Việc tổ chức đối thoại có lúc còn hình thức, vẫn có tâm lý né tránh, ngại va chạm đối với các nội dung phức tạp. Việc triển khai đôn đốc thực hiện kết luận hội nghị đối thoại ở một số nơi chưa sát sao và hiệu quả của việc giám sát kết luận sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại chưa cao…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị

Để triển khai thực hiện tốt hơn nữa Quyết định số 2200-QĐ/TU theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ yêu cầu, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Quyết định nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và Nhân dân về thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân tham gia tiếp xúc, đối thoại; Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức điều hành, trả lời các đề xuất, kiến nghị của Nhân dân.

Các cấp, ngành đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại; Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế phối hợp hiệu quả, tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nắm tình hình, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò vận động, tham gia tiếp xúc, đối thoại đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, Nhân dân.

Cùng với đó, các đơn vị chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu và giải quyết những kiến nghị, đề xuất, chỉ đạo tại thông báo kết luận hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; Kịp thời báo cáo, đề xuất cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo những nội dung chậm giải quyết, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, của Ban Thường vụ cấp ủy trong tổ chức triển khai thực hiện kết luận sau đối thoại…

*Nhân dịp này, 10 tập thể và 10 cá nhân tiêu biểu đã được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU.

 Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-cao-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-trong-to-chuc-dieu-hanh-tra-loi-kien-nghi-cua-nhan-dan-209182.html