Để dân thiếu điện sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ

20/08/2019 14:36

Kinhte&Xahoi Các Bộ, ngành liên quan và 3 “ông lớn” EVN, PVN, TKV sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng thiếu điện.

Thường trực Chính phủ đã kết luận như vậy tại cuộc họp mới đây về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025.

Sắp tới, để đảm bảo nguồn điện, EVN sẽ mở Nhà máy Thủy điện Ialy.

9 dự án nguồn điện quan trọng

Theo Thông báo kết luận cuộc họp này, Thường trực Chính phủ đánh giá giai đoạn qua, các chủ đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã có những cố gắng thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đạt được kết quả nhất định.

Tuy nhiên tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án nhiệt điện có quy mô công suất lớn dự kiến đưa vào vận hành đến năm 2023. “Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021”, Thông báo nêu rõ.

Do vậy, Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan phải nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ quan trọng hàng đầu về đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào.

Trước mắt, nhằm đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, Thường trực Chính phủ đồng ý về nguyên tắc xem xét việc áp dụng quy định tại Luật Điện lực để cho phép triển khai các dự án điện cần thiết, cấp bách nhằm đảm bảo cung ứng điện, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện; Đồng ý về nguyên tắc xem xét, ban hành cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với các dự án điện trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn tới.
 
Thường trực Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai 9 dự án nguồn điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Bao gồm các dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Dung Quất I và Dung Quất III (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn III và Ô Môn IV (đồng bộ với Dự án khí Lô B); các dự án thủy điện nhà máy Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng); kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền để thúc đẩy tiến độ các dự án.

Không được chậm trễ khâu chuẩn bị đầu tư

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần tập trung xử lý theo đúng thẩm quyền được pháp luật quy định và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền; Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng kéo dài, trì trệ trong khâu chuẩn bị đầu tư các dự án điện của EVN, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản - Việt Nam (TKV).

Đối với vấn đề nguồn vốn thực hiện dự án, Thường trực Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét việc các dự án nguồn và lưới điện của EVN được vay từ các ngân hàng thương mại vượt hạn mức tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan trong điều kiện phù hợp, theo quy định của pháp luật.

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét cụ thể đề nghị của EVN về việc cho phép các Chủ đầu tư nhà máy điện đấu thầu mua khí LNG để bổ sung các nguồn khí cho phát điện, đấu thầu thuê hoặc mua điện của các nhà máy điện nổi (chạy LNG) để có thể bổ sung nguồn cấp từ năm 2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đại diện EVN cho rằng, đây là một trong những nội dung quan trọng trong Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ để có thể tháo gỡ được phần nào tình trạng thiếu nguồn cung điện trước mắt. Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các dự án cần thiết, cấp bách cần triển khai để đảm bảo cung ứng điện và vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia theo đề nghị của EVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Hành trình vươn tới những ước mơ

Ngày 2/9/1969, khi đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản Di chúc kết tinh những giá trị vô giá của tư tưởng và đạo đức của Người. 50 năm qua, Đảng và Nhà nước ta quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Nguồn: Pháp luật Plus