Để giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất

12/05/2024 09:49

Kinhte&Xahoi Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 663.807 tỷ đồng.

Tuy lượng vốn giao thấp hơn năm 2023 song vẫn cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả từ các cấp, ngành, địa phương đến từng dự án, nhà thầu cụ thể để đạt kết quả giải ngân cao nhất. Điều đó càng quan trọng hơn trong bối cảnh các trụ đỡ khác của nền kinh tế còn đối diện không ít khó khăn.

Thi công dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội - công trình sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh Nguyễn Quang

Điểm mặt những yếu tố cản trở

Theo Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt gần 116.000 tỷ đồng, bằng 17,46% kế hoạch Thủ tướng giao và cao hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt tỷ lệ giải ngân 15,65%). Trong đó, có 7 bộ, cơ quan và 35 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (73,48%), Bộ Xây dựng (41,44%), Bộ NN&PTNT (28,28%), Bộ Giao thông vận tải (25,64%), tỉnh Long An (38,25%), tỉnh Phú Thọ (32,25%), tỉnh Tiền Giang (31,2%), tỉnh Lào Cai (30,56%)...

Trong khi đó, Cục Thống kê Hà Nội xác nhận, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư từ ngân sách do địa phương quản lý, thực hiện được 13.900 tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023. Một số dự án tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội đang được đẩy nhanh tiến độ, nhằm tăng tốc giải ngân là dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay, dự án đã giải ngân 47,4% kế hoạch vốn, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2024. Hay dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, đã giải ngân 73,7% kế hoạch vốn, dự kiến hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm nay.

Đó cũng là nguyên nhân khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tỷ lệ giải ngân là khá tích cực, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Xét trên diện rộng, nhiều đơn vị, đầu mối, dự án đã thường xuyên cập nhật tình hình, chủ động đúc kết thực tiễn, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án nhằm “gạn đục, khơi trong”, áp dụng những cách làm hiệu quả, giảm thiểu những bất lợi, bị động để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn có 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0% và có 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%. Đây là hạn chế không nhỏ của công tác giải ngân nói chung và đặt ra áp lực đối với thời gian từ nay đến hết niên độ giải ngân.

Một số nguyên nhân chủ quan và khách quan đã được nhận diện để tìm phương cách tháo gỡ, khắc phục nhằm tăng tốc giải ngân. Đó là khúc mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác do phải thực hiện qua nhiều bước dẫn đến kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đó là bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường... khiến nhiều dự án lúng túng trong thủ tục; những khó khăn khi dự án triển khai tại khu vực kinh tế, xã hội kém phát triển, địa hình hiểm trở, thiếu hạ tầng, giao thông không thuận lợi… Tuy nhiên, nổi lên vẫn là nguyên nhân chủ quan, liên quan đến khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chuẩn bị dự án, các bước tổ chức thực hiện hoặc thiếu nguyên vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng.

Đặc biệt, thực tế những năm qua cũng cho thấy, một bài học là, ở đâu có người đứng đầu, tập thể lãnh đạo quan tâm sát sao, sẵn sàng vào cuộc và chịu trách nhiệm thì kết quả giải ngân đạt kết quả cao hơn hẳn những nơi lãnh đạo thiếu quan tâm, đôn đốc, chưa coi đó là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của đơn vị, địa phương.

Tập trung triển khai các giải pháp

Từ thực tế nói trên, Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt, khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo, các bộ, cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể, có hiệu lực, hiệu quả nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, kỷ cương, năng lực chuyên môn của chủ đầu tư, để tháo gỡ các điểm nghẽn, hạn chế liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công và chậm trễ tiến độ thi công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò cơ quan tham mưu Chính phủ về đầu tư, cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, ý thức chủ động trong giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện dự án, công trình để phát hiện vấn đề nảy sinh, phối hợp tìm biện pháp tháo gỡ, giải quyết.

Đồng thời, các chuyên gia cũng như nhà thầu mong muốn có biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu phục vụ dự án đầu tư công; xử lý nghiêm các vi phạm về đối tượng, nhà cung cấp không đủ điều kiện, qua đó tránh được vấn đề biến động giá, chống hành vi đầu cơ, tăng giá ảo, trục lợi…

Đặc biệt, tại phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", đẩy nhanh tiến độ thi công. Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng, vì đây là khâu quyết định tiến độ dự án. Các bộ, ngành lập ngay tổ công tác, làm việc với các địa phương khi có vướng mắc cần giải quyết. Các nhà thầu "đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện", thi công dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn...

Chính phủ cũng chủ trương tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công. Trên bình diện chung, các dự án hạ tầng, mà chủ yếu là công trình giao thông trọng điểm, đều trong diễn biến khá tích cực, với tinh thần khẩn trương “vượt nắng, thắng mưa” và hứa hẹn sẽ góp phần gia tăng khối lượng thi công để giải ngân. Đó là dự án cầu Rạch Miễu 2, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Việc lãnh đạo các cơ quan chức năng, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục đi thị sát tình hình, tìm hiểu thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn trong thi công là rất thiết thực, đôn đốc các bên tham gia dự án ngay tại hiện trường và sẽ góp phần đẩy mức giải ngân vốn đầu tư công tăng nhanh trong thời gian tới.

Các địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong đó, các địa phương tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các vi phạm. Khẩn trương phân bổ hết nguồn vốn, kiên quyết điều chuyển vốn từ công trình, dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân chậm sang dự án có năng lực giải ngân nhanh, hoặc có nhu cầu bổ sung vốn. Lãnh đạo các địa phương cũng chủ động đi nắm bắt tình hình, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi công các dự án; nhất là vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, thủ tục hành chính.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm đánh giá, qua tính toán sơ bộ, cứ giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước; đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06%. Nhận định trên cho thấy tầm quan trọng của việc giải ngân nguồn vốn này, cũng như nhấn mạnh yêu cầu tăng cường sức đóng góp của vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Các chuyên gia nhấn mạnh, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững...

Hồng Sơn - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chuyện tách nhập xã, phường trong lịch sử

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025, thành phố Hà Nội giữ nguyên 30 đơn vị hành chính cấp huyện và dự kiến giảm số đơn vị hành chính cấp xã. Thực ra, đây chỉ là một trong nhiều lần sắp xếp đơn vị hành chính của Thăng Long - Hà Nội trong hơn 1.000 năm qua.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/de-giai-ngan-von-dau-tu-cong-dat-ket-qua-cao-nhat-666058.html